MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bố chồng nghỉ hưu các con tranh nhau đón về chăm sóc nhưng không ai nhắc đến mẹ chồng

06-09-2024 - 21:55 PM | Sống

Nhiều khi toan tính quá chưa chắc đã lại được với trời.

Tôi năm nay 35 tuổi, lấy chồng được 5 năm nhưng sang năm thứ 6 thì chúng tôi quyết định đường ai nấy đi vì dù có cố gắng đến mấy cũng không thể tìm được tiếng nói chung.

Trong suốt khoảng thời gian ở nhà chồng, tôi gần như không gặp mẹ chồng lần nào vì bố mẹ chồng tôi đã ly hôn từ rất lâu. Tất cả 5 người con của ông bà đều ở với bố vì khi 2 ông bà đưa nhau ra tòa thì các con đều đã đến tuổi tự quyết định sẽ ở với ai rồi. Trong 5 người con, không một ai chọn ở với mẹ.

Nhà chồng tôi rất giàu, chính xác là ông bà nội chồng tôi rất giàu nên bố chồng tôi cũng được hưởng toàn bộ. Nhà cao cửa rộng, tài sản tiêu không hết nên nhà chồng tôi gần như ít khi rơi vào bế tắc hay khủng hoảng. Có một sự thật là khi có tiềm lực kinh tế, có rất nhiều chuyện có thể giải quyết được đơn giản hơn.

Gia đình tôi tuy không nghèo túng gì nhưng chắc chắn chẳng thể so bì được với nhà chồng. Tôi lấy chồng cũng hiểu là vị thế của mình kém hơn một chút nhưng hiểu là một chuyện còn cam chịu hay không lại là chuyện khác. Tôi chưa bao giờ để bản thân phải trở nên hèn mọn vì gia thế của mình không bằng đối phương. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân mà tôi và chồng không thể tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa.

Bố chồng tôi mới nghỉ hưu, lương hưu của ông rất cao, cộng với nhiều khoản thu nhập thụ động khác nữa. Thời điểm ông nghỉ hưu, ông vẫn còn trẻ khỏe nên lại mở một công ty riêng và vận hành nó đến tận bây giờ vẫn đang hoạt động vô cùng tốt. Tiền cứ đẻ ra tiền nên bố chồng tôi đã giàu có lại càng dư dả hơn.

Bố chồng nghỉ hưu các con tranh nhau đón về chăm sóc nhưng không ai nhắc đến mẹ chồng- Ảnh 1.

Các anh chị em bên nhà chồng thì đều có gia đình và ở riêng hết rồi, lúc ông nghỉ hưu cả nhà cứ nhao nhao lên bàn tính chuyện sau này ông về ở với đứa nào. Từ con trai - con gái, con dâu - con rể đều muốn đón ông về chăm sóc khi về già.

Tôi lúc ấy chỉ nghĩ đơn giản là ông lo cho con cái nhiều thứ như thế nên giờ con cái muốn báo hiếu bố là chuyện chẳng có gì lạ. Thế nhưng, hóa ra mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Bố chồng tôi vẫn chọn ở riêng ở nhà chính, vì ông còn khỏe mạnh nên chưa tính đến việc sẽ về dưỡng già ở nhà con nào. Cũng vì chưa ngã ngũ nên mấy đứa con suốt ngày cãi nhau, tranh giành chuyện đứa nào sẽ được đón bố về nhà chăm.

Có lần tôi buột miệng hỏi chồng thế còn mẹ chồng thì sao, bỗng nhiên chồng tôi im bặt, nửa lời cũng không nói rồi buổi tối hôm ấy, chồng tôi nhắc tôi lần sau hạn chế nhắc đến mẹ chồng trước mặt cả nhà. Từ đó tôi không tọc mạch gì chuyện gia đình nhà chồng nữa.

Thật ra cả 5 anh chị em nhà chồng tôi đều vẫn liên lạc với mẹ chồng bình thường nhưng tất cả đều dừng lại ở những câu chuyện, lời hỏi thăm rất sáo rỗng. Thời điểm bố chồng nghỉ hưu thì mẹ chồng tôi cũng nghỉ hưu nhưng không thấy ai sốt sắng chuyện đón bà về chăm sóc khi về già cả.

Mãi cho đến tháng trước, mẹ chồng chủ động nhờ chồng tôi đưa đi viện để khám tổng quát định kỳ, sau đó anh lại khéo léo đùn đẩy cho người khác và mọi người cứ đẩy qua đẩy lại.

Hôm ấy tôi qua nhà chồng để hoàn tất nốt các thủ tục gửi tòa án giải quyết vấn đề ly hôn của tôi và chồng. Đúng lúc đó nghe từng ấy con người đùn đẩy nhau chuyện đưa mẹ đi khám, tự nhiên không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại nhận sẽ đưa mẹ chồng sắp cũ đi viện.

Hôm đưa bà đi viện tôi mới biết lương hưu của bà hiện tại chỉ có 5 triệu/tháng, thấp hơn rất nhiều so với lương hưu của bố chồng tôi. Ngoài ra bà cũng gần như không có thu nhập nào khác, thế nhưng cuộc sống của bà rất ổn với số tiền lương hưu này, bà còn nói rằng có nhiều hơn cũng chẳng tiêu hết.

Mẹ chồng tôi vẫn khỏe mạnh, bà cũng không nhắc nhở gì đến các con nhiều. Trong lời nói của bà không oán trách, không đòi hỏi mà toát lên rất rõ sự an yên tự tại.

Bỗng nhiên trong lòng tôi chợt hiểu vì sao năm đó không một đứa con nào muốn đi theo bà và giờ thì cũng không một đứa con nào muốn đón bà về dưỡng già, có lẽ vì kinh tế của bà kém xa so với kinh tế của chồng.

Mẹ chồng tôi nói rằng bà chỉ còn căn nhà nhỏ, sau này bà mất sẽ di chúc để làm từ thiện vì chắc là con cái của bà cũng không cần mấy đồng bạc lẻ từ căn nhà không nổi 50m2 của bà đâu.

Tuy không hiểu hết mọi chuyện, tôi vẫn cảm thấy thương mẹ chồng nhưng vì phận làm dâu lại còn sắp trở thành con dâu cũ, tôi cũng chẳng thể làm gì hơn được.

Theo Mạn Ngọc

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên