Bỏ chục tỷ đầu cơ nhà liền kề, biệt thự nhà đầu tư đang chật vật ra sao?
Người người mạnh tay bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư nhà liền kề, biệt thự với mục đích kiếm lời nhưng hiện nay đang chật vật với áp lực tại tài chính, rao bán nhưng cũng không có người mua.
- 25-09-2022Sau cơn sốt đất cục bộ nhiều lần, giá bất động sản Khánh Hoà giờ ra sao?
- 24-09-2022Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất dự án làm nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nói gì?
- 24-09-2022Shark Hưng: Thị trường bất động sản 2-3 năm tới sẽ có những điều chỉnh lớn
Trong những năm gần đây, giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội liên tục tăng mạnh, thậm chí, chỉ trong vòng 3 - 4 năm đã tăng gấp 2 lần. Theo đó, thời gian qua, giới đầu tư bất động sản cho rằng, liền kề và biệt thự là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao và bền vững. Bởi ngoài việc giá trị tăng lên theo thời gian còn có thể thu lời từ việc cho thuê.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi thị trường bất động sản đã chững lại, việc mua bán qua tay kiếm lời gần như là không khả thi, bên cạnh đó, việc cho thuê kinh doanh cũng khó khăn. Do vậy, nhiều người trước đó sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư đang còng lưng gánh nợ.
Chị Thu Hoa, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, đầu năm 2021, thấy phân khúc liền kề, biệt thự tại Hà Nội lên cơn sốt nóng, vì có sẵn 10 tỷ đồng chưa sử dụng, vợ chồng chị bàn bạc mua một căn để đầu tư và cho thuê.
“Được môi giới đưa đi xem nhà ở nhiều khu đô thị, vợ chồng tôi quyết định liều vay thêm 13 tỷ đồng mua một căn shophouse tại Hoàng Mai, có diện tích 75m2, giá 23 tỷ đồng”, người phụ nữ nói.
Vừa mua xong, dịch bệnh Covid-19 ập tới, căn shophouse của vợ chồng chị Hoa không thể cho thuê lại nên “cửa đóng then cài”, suốt thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản đã giảm tốc cục bộ, thanh khoản càng suy yếu. Trong khi đó, đến nay căn shophouse của gia đình chị đã hết ưu đãi lãi suất và thả nổi theo thị trường. Áp lực tài chính đối với chị ngày càng tăng lên.
“Mỗi tháng trả ngân hàng gần trăm triệu đồng, công việc kinh doanh của gia đình thời gian này cũng không được thuận lợi. Tôi đăng cho thuê nhưng cũng không tìm được người vì giá thuê khu vực này cao. Tôi nghĩ đã có lãi nên bàn với chồng bán đi. Tuy nhiên, từ đó đến nay mức giá ở khu vực này vẫn được giữ nguyên và rao bán cũng khó tìm được khách mua”, chị Hoa nói.
Chị Hoa cũng đã chủ động đặt vấn đề với môi giới sẽ cắt hoa hồng cao hơn bình thường để bán, nhưng đến nay căn nhà của chị vẫn nằm bất động. Hàng tháng, chị vẫn phải dồn tiền, thậm chí vay người quen để thanh toán với ngân hàng.
Đang chật vật rao bán căn liền kề tại quận Hà Đông, anh Trần Hiệp, chủ căn nhà cho biết, căn liền kề này được anh mua từ giữa năm 2021, diện tích 78m2, với giá 16 tỷ đồng, tương đương 205 triệu đồng/m2.
“Ban đầu mục đích tôi mua để lướt sóng, tuy nhiên chật vật rao bán mấy tháng nay vẫn chưa có người mua. Trong khi đó, tôi vẫn giữ giá bán bằng lúc mua vào. Thực ra, lúc mua tôi có đi vay 7 tỷ đồng nên bây giờ bán đi để trả nợ, lãi suất thì đang có xu hướng đi lên nên tôi cũng lo”, anh Hiệp nói.
Theo anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, thực tế không chỉ thời điểm hiện tại, mà ngay cả khi thị trường sôi động thì phân khúc bất động sản nhà liền kề, biệt thự vẫn có tính thanh khoản kém hơn đất nền và chung cư.
“Nếu như chung cư hay đất nền chỉ cần 2 - 3 tỷ đồng là có thể mua nhưng nhà liền kề, biệt thự ở Hà Nội thì phải ít nhất 12 tỷ đồng trở lên. Số tiền lớn như vậy không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn có, mà đa phần phải vay ngân hàng. Tuy nhiên thời điểm này, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng lên, thị trường chững lại thì càng khó bán. Thậm chí, gần đây rất nhiều người chấp nhận giảm giá nhưng cũng khó bán, còn cho thuê thì giá cũng cao nên kén khách”, anh Hải nói.
Anh Hải cho rằng, đa phần những người mua nhà liền kề và biệt thự chỉ có mục đích đầu cơ kiếm lời, nhu cầu thực thì rất hạn chế. Do đó, phân khúc này có tính đầu cơ cao tương đương với đất nền và mức giá thời gian qua cũng tăng rất nhiều, thậm chí đã vượt qua giá trị thực.
“Đối với những phân khúc có tính đầu cơ cao, khi lãi suất ngân hàng tăng lên khả năng tình trạng giảm giá, cắt lỗ sẽ diễn ra mạnh trong thời gian tới. Giai đoạn hiện nay là thời của những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực. Còn những phân khúc khó tiếp cận đại chúng người dân thì dù giảm giá thì tình hình thanh khoản vẫn không mấy khả quan”, nhà đầu tư này nói.
Nhịp sống thị trường