Bỏ cọc đất vàng ở Thủ Thiêm: Sớm hoàn thiện pháp luật đối với hoạt động đấu giá đất
Quanh vụ doanh nghiệp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất cao ngất ngưởng ở Thủ Thiêm (TPHCM), trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Đức Thụ thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đưa ra nhiều đề xuất để hoàn thiện pháp luật, ngăn chặn những hệ luỵ có thể xảy ra từ những câu chuyện tương tự.
Nhiều ý kiến nói cần xem xét sửa Luật Đấu giá tài sản và một số luật liên quan đến việc đặt cọc của doanh nghiệp đấu giá đất, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Qua vụ việc này, rõ ràng cần rà soát trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, lấy sự ổn định của thị trường, sự lành mạnh của hoạt động doanh nghiệp, đề cao đạo đức kinh doanh làm mục tiêu hàng đầu. Qua đó rà lại quy định pháp luật, xem những quy định hiện hành đã bảm bảo hướng về mục đích đó và hiện thực hoá được chưa?
Trường hợp chưa thể bảo đảm thì đề xuất sửa đổi cho phù hợp. Rõ ràng nhất là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, rồi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có liên quan trực tiếp, cần phải rà lại. Vấn đề này, Quốc hội khoá XV đang đặt ra là phải sửa, nhất là Luật Đất đai rồi một số luật lớn khác, nên phải chỉ rõ để hoàn thiện khung khổ pháp lý, để dẫn đường và khắc phục được những tình trạng bất bình thường như vừa qua.
Khu vực đất được thực hiện đấu giá ở Thủ Thiêm vừa qua. Ảnh: Duy Quang |
Từ vụ việc này chúng ta cũng nhìn thấy ngay một số sơ hở trong quy định đấu thầu, làm xáo trộn thị trường, “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Khắc phục tình trạng này phải nâng mức đặt cọc lên. Hiện quy định mức cọc bằng 20% giá sàn khởi điểm, nhưng kết quả đấu giá lại cao gấp nhiều lần. Lúc bấy giờ 20% lại chỉ còn tương đương vài %, rất thấp. Với con số đó, người ta sẵn sàng bỏ cọc nếu họ thu được lợi ích khác lớn hơn nhiều. Do vậy, phải nâng tỷ lệ đặt cọc, có thể lên mức 40 - 50%, tuỳ theo từng ngành, từng lĩnh vực trên cơ sở khảo sát, đánh giá cụ thể.
Bên cạnh đó, hoạt động đấu giá cần kêu gọi rộng rãi, bình đẳng, công khai, nhưng cũng cần có cơ chế loại bỏ những đơn vị yếu kém, lởm khởm. Vừa qua có tình trạng đơn vị trúng thầu mức giá gấp nhiều lần vốn điều lệ thực có. Vốn nhỏ chỉ có 10 nhưng lại mua cái 1.000 thì mua bằng cách nào? Cần rà lại quy định và hướng dẫn chi tiết hơn về việc này. Khi những điều kiện đó đã đủ mà anh cố tình vi phạm, phải tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, hậu quả tạo ra để xử lý cho phù hợp.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định đã rõ, doanh nghiệp bỏ cuộc thì mất tiền đặt cọc, số tiền đó thuộc về ngân sách nhà nước. Còn chuyện được thua của cá nhân khi tham gia thị trường là hết sức bình thường?
Tôi cho rằng, cách nhìn nhận đánh giá như thế quá đơn giản, ngắn hạn và quá phiến diện. Việc doanh nghiệp bỏ cọc ở Thủ Thiêm vừa qua gây ra sự biến động lớn đối với sự ổn định kinh tế xã hội, đối với thị trường bất động sản và chứng khoán. Nhiều người được mất trong canh bạc đó, nó chỉ là sốt ảo trong thời gian ngắn, giá dựng đứng như mô hình cây thông.
Tâm lý khi giá lên, dân lại ùa vào mua vì kỳ vọng nó còn lên và lại càng mua nhiều. Cầu lao vào càng nhiều, nhà đầu tư thao túng thị trường lại càng ép nâng giá lên, đạt đến đỉnh, họ xả hàng, trở về giá trị thực, người cầm cố cuối cùng lĩnh đủ. Đây là một hình thức cạnh tranh bất bình đẳng.
Chính vì vậy, phải rà soát lại, đưa ra quy định để có chế tài xử lý kịp thời, ngăn chặn hoạt động kinh doanh mà có thể gây thương tổn lợi ích cho người khác, cho xã hội và cho toàn bộ nền kinh tế.
Cảm ơn ông.
Giá đất bị đẩy lên cao, nhiều hệ luỵ không tốt
Theo ông Bùi Đức Thụ, giá đất cao bất thường gây khó khăn cho việc đền bù giải phóng mặt bằng, gia tăng thêm khiếu nại tố cáo. Việc này ở Thủ Thiêm 20 năm qua chưa giải quyết xong, tự nhiên giá đất đẩy lên như thế, người bị thu hồi trước kia thấy thua thiệt, dẫn đến khiếu kiện trầm trọng hơn. Từ vấn đề kinh tế bất bình thường như vậy, không khéo lại trở thành vấn đề xã hội.
Bên cạnh các hệ luỵ trên, giá đất bất bình thường gây rủi ro cao đối với tín dụng bất động sản. Bởi vì các nhà đầu tư cả nước sống chủ yếu vào vốn vay, còn vốn thực có rất ít. Bây giờ đất sốt ảo, họ đem thế chấp ngân hàng. Khi thị trường sập, khả năng từ cho vay có bảo đảm sẽ trở thành không có bảo đảm, vì giá trị thực của nó thấp hơn nhiều, rủi ro với tín dụng lúc đó sẽ rất cao.
Ngoài ra, vụ việc trên còn tác động xấu đến sự phát triển bền vững, giảm sự hấp dẫn đầu tư và tác động xấu đến sự tăng trưởng, bởi giá đất cao rõ ràng giá thuê đất cũng sẽ phải cao, chi phí đầu tư sẽ tăng, thuê mặt bằng tăng… cuối cùng thì người dân phải mua nhà với giá cao.
Tiền phong