MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ cọc đấu giá đất: Lợi dụng 'thổi giá', hệ luỵ không lường

10-09-2022 - 06:58 AM | Bất động sản

Mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung cho người có nhu cầu nhà ở nhưng 2 năm trở lại đây lại trở thành một thị trường đầu cơ mới.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù quy trình, thủ tục tổ chức đấu giá đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ, song vẫn còn những kẽ hở khiến một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Nổi bật nhất là tình trạng giá trúng bị đẩy lên rất cao, sau đó doanh nghiệp, cá nhân lại bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường.

Tiêu biểu như, 2,45 tỷ đồng một m2 đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, kết quả trúng đấu giá này đã gây chấn động thị trường cuối năm ngoái. Ngay lập tức, giá đất xung quanh khu vực đã bị "thổi giá" lên theo.

Bỏ cọc đấu giá đất: Lợi dụng thổi giá, hệ luỵ không lường - Ảnh 1.

4 công ty đều bỏ cọc sau khi trúng đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm

"Các dự án trước đây dự kiến làm nhà ở vừa túi tiền, nhà có giá trung bình, giờ người ta lại chờ đợi, thiết lập giá thế này, thì thôi dại gì mình đầu tư nhà trung bình, đẩy luôn lên giá cao cấp, rất thiệt hại cho người tiêu dùng", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết.

Mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung cho người có nhu cầu nhà ở. Nhưng 2 năm trở lại đây, đấu giá lại trở thành một thị trường đầu cơ mới. Các suất trúng đấu giá liên tục bị mua đi bán lại. Nếu không bán được, nhà đầu tư lập tức bỏ cọc.

"Người ta chậm chễ nộp tiền, dẫn đến câu chuyện đầu cơ, người ta mất 20% đặt cọc. Trúng xong người ta không thực hiện nghĩa vụ, mà tìm cách bán", bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, việc trúng đấu giá đất với giá cao rồi bỏ cọc sẽ xác lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh. Nhiều người sẽ căn cứ vào giá như vậy sẽ tính giá chuyển nhượng lên cao. Đặc biệt gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Trước những hệ quả nói trên, rất nhiều địa phương kỳ vọng, Luật Đất đai sửa đổi, sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới đây, sẽ có những quy định chặt chẽ, ngăn tình trạng bỏ cọc giá đất. Trong số các giải pháp được đặt ra, việc sàng lọc, xác định năng lực của cá nhân, doanh nghiệp đấu giá được xem là yếu tố quan trọng.

Bỏ cọc đấu giá đất: Lợi dụng thổi giá, hệ luỵ không lường - Ảnh 2.

Đánh giá năng lực doanh nghiệp tham gia đấu giá được xem là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng bỏ cọc sau đấu giá đất

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc cần có tiêu chí đánh giá năng lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đấu giá đất. Những đối tượng đã có lịch sử "bỏ cọc" cần bị hạn chế quyền đấu giá, bổ sung chế tài xử phạt, đánh mạnh vào kinh tế và tài chính để hạn chế tình trạng bất thường trong đấu giá.

Theo ông Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, do chúng ta không sàng lọc được các nhà đầu tư tham gia vào đấu giá, xem người ta có đủ năng lực thực tế thanh toán cho các sản phẩm đấu giá hay không. Do đó cần thay đổi việc yêu cầu nhà đầu tư tham gia đấu giá phải có nguồn lực cam kết, có thể bằng tiền, bằng tài khoản, bằng bảo lãnh ngân hàng... với lượng tiền có đủ khả năng để thanh toán.

Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần quy định sau khi người trúng đấu giá cần phải có trách nhiệm nộp ngay tiền trong thời gian bao lâu, không để lâu như hiện tại đến 6 tháng, 9 tháng... Ngoài ra cần quy định cụ thể về điều kiện người tham gia đấu giá: năng lực thực hiện, chấp hành pháp luật...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, các quy định pháp luật về đấu giá đất còn để lại khoảng trống chưa chặt chẽ, dễ bị doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng. Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Luật Đấu giá cũng cần được sửa đổi theo hướng trình tự thủ tục đấu giá đất phải khác với các vật thể, tài sản cụ thể khác. Vì đất đai là một sản phẩm đặc biệt, có giá trị cao.

VTV Digital

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên