Bộ Công Thương bỏ Thông tư 37, doanh nghiệp dệt may thoát khổ kiểm tra formaldehyt
Bộ Công Thương vừa ra Thông tư 23/2016 bãi bỏ Thông tư 37/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may.
- 18-09-2016Vì sao doanh nghiệp dệt may mất đơn hàng?
- 12-09-2016Doanh nghiệp dệt may hụt đơn hàng xuất khẩu cuối năm
- 08-09-2016Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào dệt may
Ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Thông tư bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
“Cởi trói” cho dệt may
Cụ thể, Thông tư số 37/2015 ngày 30/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may được bãi bỏ bởi Thông tư 23/2016/TT-BCT ban hành ngày 12/10/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2016.
Thông tư 37/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Những sản phẩm dệt may không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này gồm sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất; Hàng miễn trừ ngoại giao, hàng trong túi lãnh sự, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 31/2015 ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng áp dụng của Thông tư 37 là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; tổ chức Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền tham gia hoạt động kiểm tra nhà nước với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Cũng theo Thông tư 37, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm dệt may sản xuất trong nước, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Trình tự, thủ tục kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 48/2011/TT-BCT.
Việc thực hiệm kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu được thực hiện với các hình thức: kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất.
Thông tư 37 đã gây khó doanh nghiệp
Trước khi Bộ Công Thương có quyết định bỏ Thông tư 37 này, các doanh nghiệp dệt may đã nhiều lần kêu khổ vì quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt. Mới đây nhất, ngay trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đề cập vấn đề kiểm tra formaldehyte và amin thơm trên các sản phẩm dệt may.
Theo đánh giá của Bộ KHĐT, việc kiểm tra formaldehyte và amin thơm trên các sản phẩm dệt may đã thực hiện từ 2009 căn cứ theo các Thông tư 32/2009/TT-BCT và Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương. Việc kiểm tra này ảnh hưởng lớn đến hai ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam, với hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu lao động là dệt may và da giày. Trong 7 năm qua, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc với quy định này, nhiều lần kiến nghị sửa đổi, nhưng không được chấp nhận.
Thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định . Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định. Trong khi đó, 7 năm qua, doanh nghiệp phải trả chi phí hàng trăm tỉ đồng cho việc kiểm tra, và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài .
Ngoài ra, nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật cũng cho thấy việc ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm là thiếu cơ sở pháp lý, không tuân thủ quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá (Khoản 2 Điều 70).
Trên cơ sở rà soát các văn bản pháp lý và từ thực tiễn kiểm tra formaldehyte trong những năm qua, Bộ KHĐT đã kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu bãi bỏ Thông tư này và thay thế bằng phương thức quản lý khác hiệu lực và hiệu quả hơn./.
VOV