Bộ Công Thương: Dự án điện gió, mặt trời không kịp hưởng giá ưu đãi sẽ phải đấu thầu
Bộ Công Thương vừa có đề xuất gỡ khó cho các dự án điện gió, điện mặt trời đang "đắp chiếu" nhiều tháng qua do không kịp đưa vào vận hành trước ngày 31/10/2021 để hưởng biểu giá ưu đãi (giá FIT). Theo đề xuất, các dự án này sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu và giá mua điện chỉ áp dụng tới hết năm 2025.
- 02-04-2022Lập 3 đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời
- 01-04-2022Mỹ đánh giá cao dự án sản xuất ô tô điện của Vinfast
- 31-03-2022Hàng loạt sai phạm trong các dự án điện mặt trời: Trách nhiệm của Bộ Công Thương ra sao?
Theo Bộ Công Thương, các dự án điện mặt trời mặt đất đưa vào vận hành trước ngày 31/12/2020 sẽ được hưởng mức giá FIT 1.644 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent/kWh). Các dự án điện mặt trời nổi được hưởng giá ưu đãi 1.783 đồng/kWh (tương ứng 7,69 cent/kWh) trong khi điện mặt trời mái nhà hưởng giá 1.943 đồng/kWh (tương ứng 8,38 cent/kWh).
Các dự án điện gió trên biển vận hành thương mại trước 1/11/2021 được hưởng giá 9,8 cent/kWh (tương ứng 2.223 đồng/kWh) trong khi dự án trên bờ giá 8,5 cent/kWh (tương ứng (1.927 đồng/kWh).
Theo Bộ Công Thương, đến nay tổng công suất dự án điện mặt trời đã bổ sung quy hoạch là 15.400 MW , trong đó 148 nhà máy đã kịp vận hành thương mại đến hết 31/12/2020 với công suất gần 8.853 MW. Với điện gió, tổng công suất dự án đã bổ sung quy hoạch là 11.921 MW. Trong số này có 84 nhà máy kịp nghiệm thu vận hành thương mại (COD) toàn bộ và một phần với công suất hơn 3.980 MW. Có 37 dự án điện gió không kịp COD để hưởng mức giá FIT ưu đãi trong suốt 20 năm như Quyết định của Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Cũng theo đề xuất của Bộ Công Thương, khi chuyển sang cơ chế đấu thầu mua giá điện, EVN sẽ là đơn vị đấu thầu. Việc đấu thầu dự kiến thực hiện trong năm 2022. Giá mua điện sau đấu thầu sẽ áp dụng đến năm 2025. Sau thời gian này, các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ phải đấu thầu tiếp theo quy định do Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành.
Cũng tại báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ ra loạt hạn chế nếu tiếp tục kéo dài cơ chế giá FIT ưu đãi cho các dự án điện gió, điện mặt trời không kịp vận hành thương mại trước thời hạn.
“Hiện, chi phí sản xuất điện gió, điện mặt trời đã giảm so với thời điểm ban hành cơ chế giá FIT cách đây 4-5 năm, hiệu suất công nghệ cũng đã được cải thiện, quy mô và kinh nghiệm phát triển mở rộng dự án tốt hơn trước. Chưa kể, điện gió, điện mặt trời đã chiếm hơn 26% tổng công suất lắp đặt, do đó việc bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất của các nhà máy dẫn tới việc không bình đẳng với nhiều nhà máy điện khác trong hệ thống ảnh hưởng an ninh hệ thống điện”, Bộ Công Thương đề xuất.
Tiền phong