Bộ Công thương: Mở cửa kinh tế phải nâng cao cảnh giác
Bộ Công thương lưu ý: “Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện, ngăn chặn những phần tử xấu lợi dụng để quấy phá, chống đối”.
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng các văn kiện liên quan.
Cơ quan này cho biết, theo quy định Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực theo 3 cách.
Thứ nhất, TPP có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày tất cả các thành viên thông báo bằng văn bản cho New Zealand rằng đã hoàn tất quá trình phê chuẩn hiệp định.
Thứ hai, nếu trong vòng 2 năm kể từ ngày ký (4/2/2016) mà các nước không thực hiện việc thông báo này, nhưng có ít nhất 6 nước chiếm tối thiểu 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 12 nước ban đầu ký TPP, thì hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi kết thúc thời hạn 2 năm đó.
Thứ ba, nếu hiệp định không thể có hiệu lực thi hành theo hai cách nói trên, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất 6 nước thành viên chiếm tối thiểu 85% GDP của 12 nước thông báo bằng văn bản cho New Zealand rằng đã hoàn tất quá trình phê chuẩn.
Bộ Công Thương cho rằng, nếu thời điểm hiệu lực của TPP diễn ra theo cách thứ nhất thì sẽ thuận lợi nhất cho Việt Nam cũng như các thành viên khác.
Tuy nhiên, nếu 1 nước thành viên không hoàn tất thủ tục phê chuẩn trước ngày 4/2/2018 thì hiệp định này sẽ có hiệu lực theo cách thứ hai hoặc thứ ba.
Trong hai trường hợp này, hiệp định sẽ chỉ đương nhiên có hiệu lực đối với các nước đã kịp thông báo hoàn thành thủ tục nội bộ.
Các nước không kịp phê chuẩn để nằm trong nhóm các nước chiếm 85% GDP đã hoàn thành việc thông báo, thì nước đó phải được sự đồng ý của các nước đã phê chuẩn trước thời điểm hiệp định có hiệu lực thì mới trở thành thành viên chính thức của TPP.
Theo Bộ Công Thương, Singapore có khả năng phê chuẩn trong quý II hoặc quý III năm 2016. Australia và Nhật Bản đang nỗ lực vận động để Quốc hội thông qua trong nửa cuối 2016. Các nước khác về cơ bản không có vướng mắc, chủ yếu muốn “nghe ngóng” động thái từ Hoa Kỳ để cân nhắc thời điểm.
Chính quyền Obama tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn trước khi diễn ra bầu cử (5/11/2016). Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, TPP chỉ có thể được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua trong khoảng thời gian sau bầu cử đến trước khi có chính quyền mới, thậm chí sau khi có chính quyền mới.
Để đảm bảo chắc chắn quyền lợi của trong TPP, Bộ Công Thương đề xuất hiệp định và các văn kiện kèm theo cần được phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để VN có thể nằm trong nhóm các nước hoàn thành sớm nhất thủ tục nội bộ để TPP có hiệu lực.
Tại tờ trình do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký, Bộ Công Thương cho rằng, “Việc tham gia TPP sẽ không gây tác động trực tiếp tới việc thực hiện các biện pháp để đảm bảo ổn định chính trị của ta”.
Bộ này cũng lưu ý: “Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện, ngăn chặn những phần tử xấu lợi dụng để quấy phá, chống đối ta”.
Trước đó, vào ngày 4/2/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương VN đã cùng Bộ trưởng phụ trách thương mại các nước tham gia hiệp định TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ đã ký kết để xác thực lời văn hiệp định TPP tại Auckland, New Zealand.
Vietnamnet