MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ đôi Sabeco và Nhựa Bình Minh: Phá đỉnh lợi nhuận khi về tay người Thái, chia cổ tức cao chót vót, tiền cũng đổ nhiều nhất về túi người Thái

05-05-2023 - 00:06 AM | Doanh nghiệp

Bộ đôi Sabeco và Nhựa Bình Minh: Phá đỉnh lợi nhuận khi về tay người Thái, chia cổ tức cao chót vót, tiền cũng đổ nhiều nhất về túi người Thái

Cả Sabeco và Nhựa Bình Minh đều cải thiện mạnh mẽ tỷ suất lợi nhuận gộp sau khi được các tập đoàn hàng đầu Thái Lan thâu tóm. Điều này góp phần quan trọng giúp hai công ty đạt đỉnh lợi nhuận trong năm 2022.

Lợi nhuận cùng nhau đạt đỉnh, biên lãi gộp tăng vọt

Năm 2022, Sabeco (SAB) và Nhựa Bình Minh (BMP) đều đạt lợi nhuận tốt nhất lịch sử. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Sabeco đạt 5.224 tỷ đồng, trong khi Nhựa Bình Minh đạt 694 tỷ đồng. Điều đáng nói, đây là hai doanh nghiệp tiền thân thuộc sở hữu Nhà nước, được người Thái mua lại cách đây nhiều năm, và kết quả kinh doanh đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc.

Bộ đôi Sabeco và Nhựa Bình Minh: Phá đỉnh lợi nhuận khi về tay người Thái, chia cổ tức cao chót vót, tiền cũng đổ nhiều nhất về túi người Thái - Ảnh 1.

Bộ đôi Sabeco và Nhựa Bình Minh: Phá đỉnh lợi nhuận khi về tay người Thái, chia cổ tức cao chót vót, tiền cũng đổ nhiều nhất về túi người Thái - Ảnh 2.

Số liệu từ báo cáo tài chính

Sabeco hồi phục trở lại mạnh mẽ sau năm 2021 ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Biên lợi nhuận gộp đạt 30,8% là bước nhảy vọt của nhà sản xuất bia so với thời kỳ được nắm giữ bởi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Giá vốn hàng bán thấp hơn là lợi thế chính của Sabeco dưới thời các ông chủ người Thái, tác nhân giúp công ty gia tăng lợi nhuận hoạt động.

Dù vậy, khi nhìn vào các chỉ số về hiệu quả, Sabeco còn thua rất xa thời kỳ “đỉnh cao” 2016 – 2017, những năm cuối còn thuộc sở hữu của Nhà nước.

Chỉ số ROE, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu năm 2022 đạt hơn 22%, so với mức 35% của năm 2017 là một khoảng cách xa. Tương tự, ROA, tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản lần lượt 12,7% so với 21,3%. Các chỉ số này thể hiện một đồng tài sản hay vốn chủ sở hữu có khả năng sản sinh ra bao nhiêu lợi nhuận trong một năm.

Bộ đôi Sabeco và Nhựa Bình Minh: Phá đỉnh lợi nhuận khi về tay người Thái, chia cổ tức cao chót vót, tiền cũng đổ nhiều nhất về túi người Thái - Ảnh 3.

Số liệu từ SSI/FiinTrade

Việc biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể cũng xảy ra tại Nhựa Bình Minh. Chỉ số năm 2022 của nhà sản xuất nhựa đạt 27,7%, so với 22,3% năm 2018, năm mà tập đoàn SCG thông báo chính thức thâu tóm công ty thành công.

Khác biệt với Sabeco nằm ở việc ROA và ROE của Nhựa Bình Minh tăng mạnh, tương đương mức cao nhất của công ty trong quá khứ. Doanh thu của Nhựa Bình Minh đạt đỉnh mới, hơn 5.800 tỷ đồng. Song, tỷ suất lợi nhuận ròng gần 12% không thực sự nổi bật so với thời kỳ còn thuộc sở hữu Nhà nước.

Bộ đôi Sabeco và Nhựa Bình Minh: Phá đỉnh lợi nhuận khi về tay người Thái, chia cổ tức cao chót vót, tiền cũng đổ nhiều nhất về túi người Thái - Ảnh 4.

Cũng cần lưu ý rằng, kết quả kinh doanh từng năm của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Do đó, việc so sánh số liệu tài chính chỉ mang tính chất tham khảo và cho thấy một số khía cạnh nhất định.

Khi về tay người Thái, một yếu tố quan trọng là cả hai doanh nghiệp đều được đặt trong hệ sinh thái kinh doanh đồ sộ tầm cỡ khu vực và hưởng những lợi ích từ đó. Với Sabeco là ThaiBev, còn Nhựa Bình Minh là tập đoàn SCG.

Hiệu quả vẫn có thể tăng thêm

Ban điều hành Sabeco đã tiến hành những bước chuyển đổi để công ty ngày càng chuyên nghiệp hơn và vươn tầm quốc tế. “Chúng tôi đã làm tốt giai đoạn 1 và có đủ điều kiện để triển khai giai đoạn 2”, ông Chye Hin Fah nói tại đại hội cổ đông thường niên 2023 trong vai trò chủ toạ.

Trong những năm qua, Sabeco tiết giảm tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào và năng lượng, khiến cho biên lợi nhuận được cải thiện mạnh mẽ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc có thể làm để tăng chỉ số này thêm nữa, chi phí vận chuyển và chi phí chuỗi cung ứng ảnh hưởng đáng kể. “Khi chúng tôi đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chuỗi cung ứng, chúng tôi có thể giảm thiểu nhiều chi phí hơn nữa, qua đó thúc đẩy tích cực cho tỷ suất lợi nhuận gộp”, ông Chye Hin Fah nói.

Mục tiêu của Sabeco trong năm nay là giữ vững biên lợi nhuận gộp, trong bối cảnh chi phí đầu vào trung bình dự kiến cao hơn năm ngoái do công ty tiến hành mua trước nguyên vật liệu khi giá còn cao. Song song, Sabeco cho biết đang thực hiện các sáng kiến cải thiện định mức sản xuất, tối ưu hoá chi phí và quản lý chi phí cho các hoạt động liên quan đến sản xuất.

Năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh ở mức cao mới, trong đó mục tiêu lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng, tăng 5%. Tuy vậy, ban điều hành công ty cũng đánh giá tình hình đang trở nên khó khăn và khó lường hơn khi thị trường suy yếu. Trong quý 1/2023, doanh thu Sabeco giảm 15% và lợi nhuận sau thuế giảm 19% so với cùng kỳ.

Tại Nhựa Bình Minh, giá nguyên liệu nhựa thấp là nguyên nhân giúp công ty đạt lợi nhuận cao trong năm ngoái, tuy nhiên giá nguyên liệu đang có tín hiệu tăng trở lại, ông Nguyễn Hoàng Ngân – phó Chủ tịch công ty trả lời tại ĐHCĐ. Điều này khiến công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế sụt giảm 6%, trong khi mục tiêu doanh thu vẫn tăng.

Chia cổ tức cao chót vót, tiền đổ về túi người Thái

Cả Sabeco và Nhựa Bình Minh đều là những doanh nghiệp chia cổ tức cao. Trong 3 năm từ 2020 – 2022, cổ đông Nhựa Bình Minh đều thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt tương đương 99% lợi nhuận sau thuế, phần còn lại trích thưởng cho HĐQT và BKS. Tức là không giữ lại đồng nào.

Tại Sabeco, công ty chia cổ tức tiền mặt mỗi năm 35%, riêng trong năm 2022 có thêm “cổ tức đặc biệt” 15%, nâng tổng mức cổ tức chi trả lên 50%. Ngoài ra, Sabeco còn thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 1:1 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Với việc chia cổ tức bằng tiền mặt cao, các cổ đông người Thái tại hai công ty “bỏ túi” nhiều nhất do nắm chi phối trên 51%.

Kỳ Lân

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên