MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT giữ nguyên, không nâng giá phí bay quốc tế

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định chưa có ý định nào về việc nâng giá phí liên quan đến hoạt động bay quốc tế.

Nhằm giải đáp những thắc mắc và tạo thuận lợi cho vận tải hàng không, ngày 18/11, Cục Hàng không - Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các hãng hàng không năm 2016.

Hàng loạt các hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam than phiền về khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách vận tải hàng không, phí khai thác, tần suất giữa các chuyến bay, máy móc soi chiếu, thủ tục check-in, hạ tầng hàng không... đã được Bộ Giao thông Vận tải giải đáp nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng không.

Bộ GTVT giữ nguyên, không nâng giá phí bay quốc tế - Ảnh 1.

Hạ tầng hàng không và máy móc thiết bị phục vụ cho việc check -in của hàng không Việt Nam còn yếu kém.

Giải đáp nhiều câu hỏi “nóng” của các hãng hàng không

Tại Hội nghị, đại diện các hãng hàng không nước ngoài cho rằng, phí khai thác, giá phí tại sân bay thay đổi nhưng khi thông báo cho các hãng thời gian rất ngắn nên không kịp xoay sở. Do đó, các hãng hàng không đều kiến nghị cần có thông báo cho các hãng sớm, rõ ràng để có kế hoạch cân đối, cũng như để biết đến một số chính sách ưu đãi của Việt Nam.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà nhiều hãng hàng không rất quan tâm đó là chi phí sân bay cao, đặc biệt là đường bay mới hoặc tăng tần suất bay thì bị tính phí khai thác tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Trong trường hợp chậm hủy chuyến, các hãng hàng không bị xử phạt và phía Cảng vụ yêu cầu phải trả tiền ngay lập tức…

“Hãng hàng không sẵn sàng nộp phạt khi có lỗi, nhưng nếu yêu cầu nộp phạt ngay thì rất khó vì cũng phải cho các hãng giải thích trình bày về nguyên nhân, lý do…”, đại diện một hãng hàng không nước ngoài cho biết.

Đại diện các hãng hàng không kiến nghị cần có đường riêng ở khu vực xuất nhập cảnh cho hành khách để tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục; thiết lập cơ sở y tế ở sân bay có đủ khả năng, thẩm quyền để đưa ra chứng nhận tình trạng sức khỏe của hành khách; đẩy mạnh các dự án các Cảng hàng không sân bay, tính đến phương án thúc đẩy thủ tục check-in thuận tiện hơn...

Hai hãng hàng không Thai Airway (Thái Lan) và China Airlines (Đài Loan, Trung Quốc) cho rằng, máy soi an ninh còn hạn chế khi kiện hàng lớn, chưa có máy soi chiếu mà phải soi bằng mắt thường, an ninh hàng không chưa đảm bảo và không hiệu quả nên giờ cao điểm hàng hóa bị tắc nghẽn, chậm trễ nhiều.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đặt câu hỏi, khi sửa chữa 2 đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài (sơ bộ mất 4 tháng) thì điều phối giờ cất, hạ cánh tại sân bay (Slots) phân bổ trong giai đoạn sửa chữa có giảm không? Nếu giảm thì Cục Hàng không chủ trì, chốt lịch sớm để thông báo sớm cho các hãng hàng không vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thừa nhận: hiện thực tế hạ tầng một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài chưa đáp ứng được yêu cầu của các hãng hàng không, đặc biệt là vận tải hàng hóa riêng. Khi sửa đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến slots khai thác bay của các hãng. Cục sẽ làm sớm kế hoạch để gửi đến các hãng hàng không.

Ông Thanh cho biết, ngành hàng không đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch để giải quyết các vấn đề này, như mở rộng sân đỗ ở Tân Sơn Nhất thêm 21ha; nâng cấp đường cất hạ cánh ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất; máy soi chiếu hàng hóa quá khổ; nghiên cứu để tiếp tục đầu tư, đáp ứng được yêu cầu của các hãng...

Giữ nguyên, không nâng giá phí bay quốc tế

Về chính sách giá hàng không, theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện nay, chi phí khai thác của Việt Nam cao thứ 3 (sau Singapore và Thái Lan). Các loại giá được xây dựng và đưa ra ở mức hợp lý, tuân thủ theo các hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và có nhiều loại giá được giữ ổn định từ nhiều năm nay.

“Cục Hàng không cũng có chính sách giảm giá cụ thể cho các hãng hàng không khi mở mới các đường bay nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính trong giai đoạn đầu khai thác đi/đến Việt Nam”, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành hàng không cho biết, giá phí vừa đảm bảo hài hòa giữa đơn vị quản lý sân bay để có thể tái đầu tư, nhưng giá cũng cần minh hoạch, rõ ràng có thời gian để hiệp thương với bên trả phí. Bộ Giao thông Vận tải chưa có ý định nào về việc nâng giá phí liên quan đến hoạt động bay quốc tế.

Bộ GTVT giữ nguyên, không nâng giá phí bay quốc tế - Ảnh 2.

Các hãng hàng không quốc tế kiến nghị cảng hàng không sân bay, tính đến phương án thúc đẩy thủ tục check-in thuận tiện hơn..

Đối với chính sách mở cửa bầu trời trong đó có thương quyền 5 (quyền nhận hành khách, hàng hóa, thư tín từ quốc gia của hãng chuyển chở tới lãnh thổ nước ngoài) theo hướng tự do hóa, ông Thanh khẳng định, việc trao đổi thương quyền 5 phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các nhà chức trách hàng không, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và các hãng hàng không.

Đại diện hãng hàng không Asia cho rằng, Việt Nam cần thành lập Ủy ban phối hợp ra quyết định điều hành bay tại cảng hàng không (CDM) nhằm điều phối hoạt động của tàu bay tại cảng đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tình trạng chậm chuyến vì lý do điều hành bay.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay (VATM), Việt Nam chưa triển khai CDM. Theo thông lệ, trên thế giới bắt buộc phải có quy định “không” của ngành hàng không, các sân bay lớn có Hội đồng chung giữa 3 bên để chia sẻ thông tin cũng như phối hợp để xác định giờ máy bay cất hạ cánh để điều phối sân bay.

“Nếu ACV thấy khó có thể đảm nhiệm thì VATM sẵn sàng đảm nhiệm việc này, trên cơ sở các thông tin, sự thay đổi trong hoạt động phải thường xuyên được nắm bắt để điều chỉnh hoạt động cho hài hòa, đúng giờ tại các sân bay,” ông Thắng bày tỏ quan điểm.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, kiểm dịch cũng như các doanh nghiệp cảng hàng không, quản lý bay để có các biện pháp điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi nhất cho các hãng hàng không.

“Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải và hàng không Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho hoạt động kinh doanh hàng không quốc tế theo hướng phát triển bền vững, đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam,” Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói./.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại có 55 hãng hàng không nước ngoài với gần 100 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng về hành khách, hàng hóa luôn đạt mức trung bình 14-15% trong giai đoạn 20 năm qua.

Trong chín tháng vừa qua, tổng số khách quốc tế đi/đến Việt Nam và hàng hóa vận chuyển tại các sân bay Việt Nam đạt 114.000 chuyến bay (tăng 24,8%) và 17,5 triệu hành khách (tăng 32,5%), 467.000 tấn hàng hóa (tăng 3,1%,) so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Phi Long

VOV

Trở lên trên