Bộ GTVT khởi công, khánh thành 24 dự án trong 9 tháng
Sáng 11/10, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023.
- 11-10-2023Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Kiểm soát chỉ số giá 9 tháng rất tốt
- 11-10-2023Gần 100 cán bộ, cảnh sát của Bộ Công an phong toả một mỏ đất hiếm tại Yên Bái
- 11-10-2023Vì sao dự án đường Vành đai 4 tăng vốn?
Thông tin tại hội nghị, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong 9 tháng của năm 2023, ngành giao thông vận tải đã khởi công 13 dự án giao thông lớn.
Trong đó, đường bộ khởi công 6 dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km 15+270 - Km 89+700, tỉnh Quảng Nam; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 địa bàn tỉnh Gia Lai và cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.
Theo kế hoạch, cuối năm 2023 sẽ có thêm hai dự án giao thông mới được hoàn thành, đưa vào khai thác gồm: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Lĩnh vực đường sắt có 3 dự án gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.
Hàng hải, đường thủy nội địa khởi công 3 dự án: Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa); dự án Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số "0" vào khu bến cảng container Cái Mép; dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống). Cùng đó là 1 dự án cải tạo trụ sở Bộ Giao thông Vận tải.
Đặc biệt, theo Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, cùng với nỗ lực hoàn thiện thủ tục khởi công dự án mới, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, 11 dự án giao thông quan trọng cũng liên tiếp cán đích. Trong đó, tổng số đường cao tốc được đưa vào khai thác trong 9 tháng đạt hơn 500km.
Theo ông Uông Việt Dũng, lĩnh vực đường bộ ghi nhận số lượng dự án hoàn thành nhiều nhất với 10 công trình, gồm dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn: Mai Sơn – Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua Tp.Việt Trì (Phú Thọ).
Cùng với đó là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa - cửa khẩu Pò Mã (Km0 - Km 66+600) - giai đoạn 2; dự án mở rộng một số cầu trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang; dự án thành phần I (giai đoạn 2) thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa hoàn thành 1 dự án: Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6)
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận, đây là những kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và tạo sự phấn khởi trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Thông tin về giải ngân vốn ngành giao thông vận tải, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Bộ Giao thông vận tải đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư khi sản lượng giải ngân đạt 98% kế hoạch đăng ký.
"Theo tính toán, trong 4 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần giải ngân 37.000 tỷ đồng. Nếu các chủ đầu tư được duy trì tốc độ giải ngân như tháng 9/2023, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao của Bộ sẽ đạt được", ông Bùi Quang Thái nhận định.
Báo tin tức