MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT nhận cả 'núi tiền' nhưng chẳng thể giải ngân kịp

Bộ GTVT nhận cả 'núi tiền' nhưng chẳng thể giải ngân kịp

Sau 7 tháng, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục ì ạch, chậm so với năm trước rất nhiều, đặc biệt trong giải ngân vốn vay nước ngoài. Điều này được lý giải do dịch COVID-19, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16, dẫn tới tiến độ các dự án trọng điểm đều bị ảnh hưởng.

Bộ GTVT là một trong những bộ ngành nhận nhiều vốn đầu tư công nhất, với hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia, trong đó đáng chú ý nhất là thi công 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, theo bộ này, với đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều địa phương (đặc biệt khu vực phía Nam) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng tới việc thi công các đoạn cao tốc này.

Theo Bộ GTVT, với các đoạn cao tốc đang thi công qua một số tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16, địa phương hạn chế phương tiện ra vào, đặc biệt xe chở hàng không thiết yếu. Trong đó, xe chở vật liệu phục vụ thi công các đoạn cao tốc Bắc – Nam được nhiều địa phương xem là không thiết yếu, không cho lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh. Thực tế này dẫn tới nhiều dự án bị chậm tiến độ giải ngân do không có vật liệu để thi công.

Luỹ kế tới hết tháng 7 vừa qua, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông mới giải ngân được gần 7.000 tỷ đồng/gần 15.000 tỷ đồng được giao, đạt trên 46% kế hoạch năm nay. Trong đó, đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn khả năng không hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối năm nay.

Một dự án trọng điểm quốc gia khác là thu hồi đất, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai), theo Bộ Tài chính, tới nay dự án mới giải ngân được hơn 10.600 tỷ đồng/22.800 tỷ đồng vốn được giao, đạt 46% kế hoạch. Trong đó, vốn kế hoạch năm nay mới giải ngân được gần 18% sau 7 tháng.

Theo Bộ Tài chính, tới hết tháng 7 vừa qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước vẫn chậm, hầu hết các bộ ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Cụ thể, tới nay mới giải ngân đạt 36,7% vốn kế hoạch Thủ tướng giao (thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, vốn nước ngoài giải ngân mới đạt 7,5% (thấp hơn cùng kỳ tới 10%).

Chỉ có 11/50 bộ và 20/63 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 35% kế hoạch, còn lại đều giải ngân rất thấp. Đáng chú ý, có tới 34 bộ ngành và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25% (trong đó có 6 bộ ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn dù đã qua 7 tháng).

Bộ Tài chính đánh giá, nguyên nhân chủ yếu làm chậm giải ngân đầu tư công là do dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương. Ngoài ra vẫn là các chuyên nhân cố hữu như: chậm giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch, bất cập trong công tác đấu thầu, vướng thủ tục điều chỉnh dự án…

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên