Bộ GTVT và những lần “xắn tay áo” vào cuộc tháo gỡ khó khăn
Sự quyết liệt của Bộ GTVT thời gian qua, việc "chỉ bàn tiến không bàn lùi” đã giúp đưa hàng nghìn km đường cao tốc cùng nhiều công trình giao thông lớn vào khai thác, được Chính phủ, người dân đánh giá rất cao tinh thần vào cuộc quyết liệt này.
- 04-02-2024Điều đặc biệt tại hầm cao tốc sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới do Tập đoàn Sơn Hải thi công
- 02-02-20248 tuyến cao tốc vừa được nâng tốc độ lên 90 km/h
- 01-02-2024Tăng giá vé 4 tuyến cao tốc lưu lượng xe đông đúc từ ngày 1-2
Thi công cao tốc Bắc-Nam với những điều chưa có tiền lệ
Khi bắt tay triển khai thi công cao tốc Bắc-Nam , Bộ GTVT đã có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện. Kết quả là hầu hết các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đều hoàn thành đúng tiến độ.
Điều đó được thực hiện từ thông điệp của người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khẩu hiệu "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ tiến không lùi"…ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm.
Cụ thể, khi các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) bị chậm tiến độ do đại dịch Covid-19 càn quét, các công trường phải đóng cửa nhiều tháng để tránh dịch, sau đó là việc khan hiếm vật liêu xây dựng, nhiều đoạn tuyến có nguy cơ chậm tiến độ. Đứng trước sự việc nghiêm trọng trên, Bộ GTVT, các Ban quản lý dự án, nhà thầu đề ra kế hoạc thực hiện 3 ca trên công trường, không có ngày nghỉ trong tuần, không có ngày nghỉ lễ, Tết. Đặc biệt, chiến dịch thi đua "Chiến dịch 120 ngày đêm" với quyết tâm thông tuyến 4 dự án cao tốc Bắc - Nam ngay trong năm 2022.
Sau đó, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,4 km; Cam Lộ - La Sơn, dài 98,3 km; Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km; Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đã hoàn thành đúng tiến độ, thậm chí tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 còn hoàn thành trước tiến độ 1 tháng.
Tiếp đó, Bộ GTVT và Ban QLDA cùng các đơn vị đã tổ chức lễ phát động thi đua “120 ngày đêm quyết tâm hoàn thành dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ”. Với quyết tâm không để thời gian chết ở công trường, nhà thầu phải tập trung thi công, có kế hoạch chi tiết hơn. Từng hạng mục cụ thể phải có cột mốc rõ ràng, để từ đó theo dõi, đánh giá, tránh các rủi ro. Đến ngày 24/12/2023, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 và 2 công trình trọng điểm khác đã được hoàn thành đúng tiến độ.
Sau khi các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đứng trước nguy cơ thiếu vật liệu (đất, cát) đắp nền, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã lên kế hoạch đi về từng địa phương, trao đổi với lãnh đạo các địa phương bàn cách tháo gỡ. Tinh thần “vướng ở đâu gỡ ở đó”, có những việc quá tầm của Bộ, cả địa phương thì báo cáo lên Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ. Kết quả là sau đó Quốc hội, Chính phủ có hàng loạt cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn cho nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc-Nam. Đến nay, cơ bản đã giải quyết gần xong nguồn vật liệu cho cao tốc.
Đặc biệt, việc đẩy nhanh giải quyết hồ sơ, thủ tục của các dự án cao tốc Bắc-Nam; thủ tục lựa chọn nhà thầu để kịp khởi công đúng tiến độ cũng được lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo làm cả ngày đêm cho kịp tiến độ. Việc này được Chính phủ, các nhà thầu và chuyên gia đánh giá rất cao.
Khi thấy hệ thống định mức, đơn giá vừa thiếu, vừa lệch xa so với thực tế đang khiến các doanh nghiệp xây dựng giao thông canh cánh nỗi lo thua lỗ, dù nắm trong tay nhiều hợp đồng xây lắp có giá trị rất lớn.
Bộ GTVT đã phối hợp cùng Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đối thoại để bàn cách tháo gỡ vướng mắc. Sau đó, kiến nghị được gửi lên Chính phủ. Ngày 9/1/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Bộ GTVT là một trong số những bộ, ngành được đánh giá có chỉ số cải cách thủ tục hành chính của các cục quản lý chuyên ngành ở mức rất cao.
Tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành giao thông vận tải, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình có nhiều diễn biến vượt ra ngoài mọi dự báo, song ngành GTVT đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, nặng nề được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, trong đó việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, hoan nghênh những thành tích, kết quả mà Bộ GTVT đã thực hiện được.
Bộ GTVT đã tích cực, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, phân cấp, ủy quyền đã được kịp thời tháo gỡ.
Cần “hậu kiểm” để xử lý nhà thầu có “hồ sơ đẹp nhưng năng lực yếu”
Việc các dự án cao tốc Bắc-Nam cả giai đoạn 1 và 2, một vài dự án bị chậm tiến độ vì lý do bất khả kháng thì vẫn có một số nhà thầu do năng lực yếu , không đảm đương được hết phần việc được giao. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất 1 nhà thầu bị đuổi khỏi công trường vì không hoàn thành công việc.
Cụ thể, tại gói thầu số 12 qua huyện Hà Trung, thuộc dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), đoạn đường dài 3 km gần hầm Thung Thi do nhà thầu Hoàng Long thi công mới đạt giá trị xây lắp khoảng 73.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, đánh giá nhà thầu Hoàng Long yếu kém, thi công chậm tiến độ, Bộ trưởng Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long xem xét, giao phần việc còn lại cho các nhà thầu trong liên danh gói thầu số 12 thực hiện. Yêu cầu nhà thầu chính là Tập đoàn Đèo Cả phải huy động thiết bị và nhân lực, hoàn thành ngay phần việc của Hoàng Long để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS,TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đánh giá rất cao sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
“Bộ GTVT thời gian vừa qua đã có sự quyết liệt, đồng hành cùng các Ban QLDA, các nhà thầu để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Từ tổ chức lựa chọn, mời thầu, chấm thầu, đến thủ tục cấp mỏ vật liệu, đơn giá định mức cho đến giám sát thi công. Phải nói phần việc nhiệm kỳ này làm được bằng nhiều năm trước. Với tiến độ như thế này mục tiêu 3.000km đường cao tốc trong năm tới là hoàn toàn thực hiện được”, PGS,TS Trần Chủng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, PGS,TS Trần Chủng cũng mong muốn, thời gian tới, Bộ GTVT cần “hậu kiểm” chặt chẽ việc cam kết cả các nhà thầu, các nhà đầu tư, Ban QLDA. Vì hiện tại có một số nhà thầu khi gửi hồ sơ đánh giá năng lực thì rất đẹp, nhưng khi vào “thực chiến” thì lại rất “èo uột”, liên tục bị chậm tiến độ, bị nhắc nhở làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án và của nhà thầu liên danh.
“Đối với những nhà thầu yếu kém, làm chậm, bị nhắc nhở mà không tiến bộ, Bộ GTVT nên kiểm tra, đánh giá lại, có thể điều chuyển những phần việc cho nhà thầu khác, đơn vị có năng lực thi công. Mặt khác, cũng phải có quy chế rõ ràng, cấm thi công các dự án khác do Bộ GTVT làm chủ trong thời gian nhất định. Có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh thì sẽ tạo động lực thi đua, cạnh tranh giữa các đơn vị”, PGS, TS Trần Chủng kiến nghị.
Cùng chung quan điểm, ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, chuyên gia về giao thông đánh giá cao vai trò của Bộ GTVT nhiệm kỳ này. Luôn quyết liệt và kết quả của sự quyết liệt là cao tốc Bắc-Nam đã hình thành, nhiều công trình giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng, người được hưởng lợi nhiều nhất là người dân.
“Để phát huy kết quả này, việc Bộ GTVT thường xuyên “tiền kiểm” và “hậu kiểm” hết sức bình thường và nên làm thường xuyên. Việc này không những kiểm tra các nhà thầu, xử lý nhà thầu yếu kém, mà cần xem xét cả trách nhiệm của các Ban QLDA đã làm đúng, làm tròn vai chưa. Yếu ở khâu nào cần phải xử lý ngay ở khâu đó”, ông Đông nêu quan điểm.
VOV