MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT: VNR xin vay vốn 800 tỷ đồng không liên quan đến việc vốn đi “đường vòng”

Bộ GTVT: VNR xin vay vốn 800 tỷ đồng không liên quan đến việc vốn đi “đường vòng”

Tổng công ty Đường sắt tiếp tục đề nghị khoản cứu trợ khẩn cấp 800 tỷ đồng không tính lãi

Việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang đứng trước nguy cơ bị tạm dừng hoạt động đang gây xôn xao dư luận khi trong thời gian gần đây đơn vị này đã phải nhiều lần gửi văn bản "cầu cứu" tới Thủ tướng vì không được giao vốn dẫn đến nợ lương người lao động và mới đây lại đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hỗ trợ số vốn 800 tỷ đồng, không lãi suất.

Theo đó, VNR vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hỗ trợ khoản vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ Tổng công ty phải dừng hoạt động vì tác động của dịch COVID-19 .

Vào tháng 4/2021, công ty này cũng từng gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ vì 20 công ty con của VNR làm nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện đang nợ lương công nhân nhiều tháng, cũng như chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì.

Điều này kéo theo đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR đang bị ảnh hưởng. Theo dự toán hằng năm, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì phân về đường sắt là 2.800 tỷ đồng nhưng tính đến hết tháng 4 vẫn chưa được giao xuống.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc giao vốn chậm trễ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của VNR và việc để vốn "đi đường vòng" qua Cục Đường sắt Việt Nam phải chăng đang dẫn đến việc kéo dài thời gian, thủ tục một cách không cần thiết?

BỘ GTVT KHẲNG ĐỊNH ĐÃ TẠM ỨNG CHO VNR

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, về kiến nghị vay vốn 800 tỷ đồng, VNR không báo cáo với Bộ mà gửi văn bản thẳng đến Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

"Vấn đề này cũng tách bạch hoàn toàn với việc cấp vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt", đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Theo Bộ Giao thông vận tải, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam trên cơ sở kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, quyết định giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ GTVT, ký hợp đồng đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR.

Do đó, ngày 24/5, Cục Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng đặt hàng với VNR và số tiền tạm ứng đã được chuyển ngay sau đó.

NGÀNH ĐƯỜNG SẮT LIÊN TỤC THUA LỖ

Nguyên nhân chính dẫn đến việc VNR phải xin vay vốn ưu đãi là do doanh nghiệp liên tục làm ăn thua lỗ dẫn đến thiếu hụt dòng tiền. Bởi theo ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, Tổng công ty đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như siết chặt quản trị, giảm chi phí nhưng năm 2020, VNR đã lỗ hơn 1.300 tỷ đồng và dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng.

Trong văn bản gửi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNR cũng cho biết, thông thường chiến dịch vận tải hè từ tháng 5 đến hết tháng 8 là thời điểm ngành đường sắt tổ chức chạy tàu khách với số lượng lớn nhất trong năm và đạt doanh thu cao để bù đắp cho các tháng thấp điểm còn lại.

Tuy nhiên, năm nay, dịch bùng phát trở lại đã làm mất đi phần lớn sản lượng vận tải hành khách hè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và việc làm. Theo dự báo, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp thì lượng khách đi tàu suy giảm đến hết năm.

Tính đến hết tháng 5/2021, tổng doanh thu ngành đường sắt chỉ đạt 1.114,1 tỷ đồng, bằng 81,6% so với cùng kỳ và chỉ bằng 60,1% so với 5 tháng đầu năm 2019, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong tháng 5 vừa qua, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ là 393, trong đó số đoàn tàu Thống Nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn, do chính sách quy định hạn chế của nhiều địa phương.

Đáng chú ý, do việc cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt, nên đã có 1.169 lao động bị hoãn hợp đồng và 136 lao động nghỉ không lương, chủ yếu thuộc nhân lực của các công ty vận tải.


Theo Hạ An

BizLive

Trở lên trên