Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có thể chấm dứt dự án Formosa nếu không khắc phục hậu quả về môi trường
Nếu không khắc phục được các hệ quả liên quan đến vi phạm trong ô nhiễm môi trường, Formosa có thể bị yêu cầu chấm dứt dự án theo quy định của Luật Đầu tư.
- 02-08-2016Yêu cầu Formosa thực hiện cam kết khắc phục hậu quả môi trường
- 02-08-2016Vỡ đường ống NM alumin Nhân Cơ: “Quả bom" môi trường ngang tầm Formosa!
- 01-08-2016Chủ tịch nước: Vụ Formosa, ai vi phạm cũng bị xử lý
- 31-07-2016Hà Tĩnh vượt quyền Chính phủ cấp phép 70 năm cho Formosa
- 30-07-2016Phát hiện 200 tấn bùn thải trong KCN Formosa Đồng Nai
- 30-07-2016"Sau sự kiện Formosa, liệu chúng ta có dám khai tử các dự án mang công nghệ bẩn?"
Trước câu hỏi đặt ra là việc Hà Tĩnh cho phép Formosa thuê đất 70 năm có sai thẩm quyền, ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết Luật Đất đai cho phép cho thuê đất dự án có thể là 70 năm.
Tuy nhiên, ông Thu cũng dẫn ra trong Luật Đầu tư năm 2014 thì điều 47 đã quy định có 5 trường hợp có thể bị tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư. Trong đó, có 1 trường hợp là tạm ngừng để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quản lý môi trường.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 48 của Luật Đầu tư quy định dự án đầu tư có thể bị chấm dứt hoạt động nếu thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 47 mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục.
Theo đó, cơ quan quản lý đăng ký đầu tư có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư nếu như chủ đầu tư không chịu khắc phục vi phạm về môi trường.
“Có nghĩa là đầu tiên thì tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng không thể khắc phục được thì theo quy định pháp luật hiện nay có thể dừng hẳn” – đại diện Bộ KHĐT nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết theo Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư có quy định theo các tiêu chí khu vực khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư. Theo đó, đối tượng như Vũng Áng (Hà Tĩnh) được coi là khu vực được xem xét ưu tiên.
Như vậy, theo Bộ trưởng Hà, cả Luật đất đai 2003 và 2013, UBND tỉnh, thành phố thì có thẩm quyền cho thuê đất là được 70 năm. Tuy nhiên, đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài, thì thẩm quyền tỉnh được cho 50 năm, trên 50 năm là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phải báo cáo xin phép Chính phủ và Chính phủ sẽ xem xét trên giác độ nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn…
“Trường hợp Formosa thì Thanh tra Chính phủ có thanh tra kiểm tra rồi. Với Hà Tĩnh, tôi cho rằng việc cấp giấp phép đầu tư 70 năm và cùng với thuê đất 70 năm là sai ở chỗ thẩm quyền địa phương cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp 70 năm, đây là thẩm quyền của Chính phủ” – Bộ trưởng Hà nói.
Cũng liên quan đến kết luận mới đây của Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan đến việc Formosa đổ chất thải trái phép ra môi trường, có chứa hàm lượng chất độc vượt ngưỡng cho phép, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường thông tin thêm rằng toàn bộ 390 kg chất thải là chất thải nguy hại.
Do đó, Bộ TNMT đã buộc Formosa có trách nhiệm và sẽ lựa chọn một cơ quan xử lý chất thải đạt yêu cầu và được cấp phép. Tuy nhiên, hiện Hà Tĩnh chưa có cơ quan đủ điều kiện nên việc lựa chọn phải do cấp trung ương cấp phép cho vận chuyển qua địa phương khác.
Bộ trưởng cũng cho biết, Hà Tĩnh và lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, kiểm điểm. Bộ Tài nguyên môi trường, cũng đang làm việc và kiểm kê tất cả các chất thải Formosa thông qua số đã thu gom, số còn lưu trữ kho, thông qua hợp đồng ký kết để xử lý.
“Chúng tôi sẽ xem xét chặt chẽ để xem chất thải còn ở đâu không, phát hiện chỗ nào và cố tình đổ ra môi trường không đúng quy định. Chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra rất chặt chẽ” – Bộ trưởng nói.
Về xử lý, hành vi doanh nghiệp khi đưa chất thải công nghiệp không đúng quy định, Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề nghiêm trọng, không phải là lần đầu mà là cố ý, nhiều người thực hiện.
“Đánh giá là nghiêm trọng nên chúng tôi chuyển toàn bộ hồ sơ đến công an Hà Tĩnh điều tra xử lý” – Bộ trưởng thông tin.