Bộ LĐ-TB&XH kết luận sau thanh tra tại Samsung
Một số tổ chức phi chính phủ vừa công bố báo cáo về lao động (LĐ) nữ làm việc tại các nhà máy Samsung Việt Nam, với nhiều cảnh báo về vấn đề sức khỏe và sử dụng LĐ. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nói gì về sự việc này?
- 16-11-2017Chiếc điện thoại Samsung 'Made in Vietnam': DN Việt chỉ làm nổi vỏ hộp và dây nối, toàn bộ 5 bộ phận cốt lõi đều do FDI làm
- 07-10-2017Thủ tướng mong Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- 07-10-2017Lý do không hợp tác được với Samsung, Honda, Toyota… của nhiều doanh nghiệp Việt: Vì thiếu tự tin, tự tôn dân tộc và tinh thần làm chủ?
IPEN - tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Thụy Điển, cùng Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) vừa đưa ra báo cáo khảo sát về LĐ làm việc tại các nhà máy của Samsung Việt Nam.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vừa qua đơn vị tổ chức 2 đoàn thanh tra về chấp hành pháp luật lao động tại 2 nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên. Kết quả thanh tra cho thấy, Samsung cơ bản chấp hành tốt các quy định pháp luật Việt Nam, như về hợp đồng LĐ; điều kiện làm việc, kiểm tra sức khỏe, quan trắc môi trường thường xuyên; chính sách bảo hiểm xã hội; các khoản lương, thưởng, trợ cấp; chấp hành các quy định về an toàn LĐ… Do đó, theo ông Tùng, báo cáo của các tổ chức trên nói người LĐ tại Samsung bị đối xử không tốt, phải làm tới mức kiệt sức, đi vệ sinh cũng bị hạn chế là chưa thuyết phục.
Theo ông Tùng, sai phạm của Samsung tại cả 2 nhà máy là về quy định thời gian làm việc. Cụ thể, Samsung chia thời gian làm việc thành 2 ca, ca ngày từ 8h đến 20h, ca đêm từ 20h đến 8h sáng hôm sau và đưa vào nội quy LĐ, luân phiên làm việc 4 ngày liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày. Quy định này, theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, là trái với Bộ luật Lao động 2012. Khi luật quy định giờ làm việc bình thường không quá 8h/ngày và không quá 48h/tuần (nếu theo tuần không quá 10h/ngày); giờ làm việc ban đêm tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau. Đồng thời, giờ làm thêm không quá 30h/tháng, 200h/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300h/năm). Trong khi đó, ca làm việc hằng ngày của Samsung kéo dài tới 12h/ngày, mỗi tuần (7 ngày) làm tới 60h. “Giờ làm thêm chúng ta đang nghiên cứu để sửa đổi quy định cho hợp lý hơn. Nhưng chúng tôi đã yêu cầu Samsung thực hiện đúng quy định luật hiện hành”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho hay, qua thanh tra còn phát hiện Samsung đưa vào nội quy LĐ một số điểm chưa hợp lý như hợp đồng LĐ tại nhà máy Samsung Thái Nguyên có điều khoản chưa đúng quy định; Samsung Bắc Ninh huấn luyện an toàn, vệ sinh LĐ chưa đầy đủ cho người LĐ.
Tuy vậy, theo ông Tùng, với các sai phạm trên, đoàn thanh tra chưa xử phạt, chỉ nhắc nhở Samsung và cho thời hạn tối đa 60 ngày để thực hiện. “Chỉ doanh nghiệp bắt người LĐ tăng ca, làm việc tới vắt kiệt sức, thanh tra mới xử phạt”, ông Tùng nói và cho biết thêm, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đơn hàng. Do đó, có thời điểm người LĐ phải tăng ca nhiều để kịp đơn hàng, nhưng có thời điểm lại ít việc, nên không thể cứng nhắc gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Năm 2017, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chiến dịch thanh tra an toàn và vệ sinh LĐ với toàn ngành sản xuất và lắp ráp điện tử. Hiện kết quả thanh tra đang được tổng hợp và dự kiến sẽ công bố trong tháng 12 tới. Tuy vậy, đánh giá tổng quan, người đứng đầu ngành Thanh tra LĐ cho rằng, các doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ thường có 10-12 sai phạm, nhưng Samsung chỉ có 3 sai phạm trong khi sử dụng tới cả trăm nghìn LĐ.
Về bệnh nghề nghiệp với LĐ trong lĩnh vực điện tử, ông Tùng cho biết, hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Tuy nhiên, khi tổng hợp kết quả thanh tra toàn ngành sản xuất điện tử, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH sẽ có đánh giá cả về vấn đề này và các kiến nghị giải pháp.
Samsung Việt Nam hiện có hơn 100.000 lao động, mỗi năm sản xuất khoảng 180 triệu chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng, xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia; Trị giá xuất khẩu của Samsung hiện chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tiền phong