Bỏ phố về quê với câu hỏi “Kiếm được nhiều tiền thì sao?'
Sau 3 năm bỏ phố về quê, Thảo Linh vẫn không hối hận với lựa chọn này của bản thân.
- 25-04-2023Nghỉ việc văn phòng, mẹ trẻ đưa con rời phố về quê làm bạn với thiên nhiên, cuộc sống thanh bình đáng mơ ước
- 17-04-2023Nửa năm rời phố về làng sống như một giấc mơ của gia đình nhỏ, nơi những đứa trẻ mê tít chẳng muốn về
- 17-08-2022Nghỉ việc ở đài truyền hình, 7x cầm 1 tỷ đồng rời phố lên Đà Lạt xây nhà gỗ, sống bình yên
Bí quyết tiết kiệm 70% lương
Thảo Linh (26 tuổi) hiện đang làm graphic designer tại Hạ Long. Mỗi tháng cô nhận 15 triệu đồng, song có thể để dành đến 70% lương là khoảng 10 triệu đồng - một số tiền tiết kiệm đáng ngưỡng mộ với nhiều người trẻ.
Trước khi hình thành thói quen tiết kiệm, Thảo Linh tự nhận giống như bao người trẻ khác, cô nàng thường “kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu”. Không chỉ thế, Thảo Linh còn nghiện mua sắm, thường xuyên chi tiền cho những món đồ không cần thiết.
Thảo Linh nhớ lại: “Tầm một năm trước, sau tan làm là mình lượn đi ăn vặt, xem quần áo, mua sắm tối ngày trên các sàn thương mại điện tử và săn sale. Có những khi chẳng cần mua đồ nhưng vì thấy có chương trình giảm giá, mình cũng mua số lượng lớn về nhà chất đống. Từ mỹ phẩm, đồ makeup, skincare cho đến quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện… mình không thiếu thứ gì. Ngoài ra, mình còn hẹn bạn đi ăn nướng, ăn lẩu, uống trà sữa, cafe tầm 2-3 lần/tuần.
Cứ như thế, mình có lương tháng nào tiêu hết tháng đó. Khoản tiết kiệm gần như bằng không. Cuối năm công ty thưởng Tết bao nhiêu thì mình có từng đó tiền tiêu Tết”.
Còn thời điểm hiện tại, Thảo Linh đã thắt chặt chi tiêu hơn. Mỗi tháng, cô dành dụm được khoảng 70% thu nhập nhờ cắt giảm các khoản chi phí và biết cách tiêu dùng thông minh.
Cụ thể hơn trong 15 triệu lương hàng tháng, Thảo Linh chỉ tiêu khoảng 5 triệu. Số tiền sinh hoạt phí được cô phân bổ thành những khoản như sau:
- Tiền nhà: 1.2 triệu đồng.
- Tiền xăng xe và phí dịch vụ điện thoại: 200 ngàn đồng.
- Tiền mua quần áo, giày dép và mỹ phẩm: 500 ngàn đồng.
- Tiền ăn + chi phí sinh hoạt khác: 3 triệu đồng/tháng.
Thảo Linh cho hay, do được công ty bao ăn bữa trưa, nên cô chỉ nấu bữa tối tại nhà. Ngoài ra, mỗi tháng cô dành khoảng 500 ngàn đồng để mua đồ ăn bên ngoài và hẹn gặp bạn bè.
Thảo Linh tâm sự, sở dĩ cô để dành được nhiều tiền không phải vì bản thân quá đề cao tiết kiệm. Nguyên nhân sâu xa là vì cô nàng đã sống tối giản hơn. Thảo Linh chỉ tập trung mua món đồ cần thiết, hạn chế chưng diện, giảm tần suất mua sắm vì muốn dành thời gian cho những khoá học và mối quan hệ chất lượng.
“Mình chi tiêu với mục đích cần và đủ, chứ không đặt nặng phải tiết kiệm bao nhiêu tiền. Hiện tại mình lười trang điểm, hoặc nếu có thì chỉ makeup tối giản. Khi đi làm, mình chỉ mặc đồng phục. Còn nhiều lúc đi chơi, mình mặc áo phông, quần đùi, không trang hoàng mấy vì lười (cười)... Nói đến đây bạn cũng hiểu mình có thể tiết kiệm được nhiều tiền chưng diện bên ngoài thế nào.
Mình cũng đang đăng ký một khoá học tiếng để nâng cao năng lực bản thân. Như thế sáng mình đi làm, tối về học. Ngày nào mình cũng làm việc, học và ôn thi nên không có thời gian đi chơi và mua sắm nhiều. Buổi tối mình cũng không còn thói quen lướt điện thoại mua đồ linh tinh nữa”, Thảo Linh nói.
Không chỉ giảm nhu cầu mua sắm, Thảo Linh còn tiết kiệm được tiền nhờ đầu tư vào chi tiêu bền vững.
“Thay vì mua nhiều quần áo giá rẻ, mình chuyển sang mặc đồ đắt một tí nhưng bền. Mình cũng mua đồ basic để có thể xài được trong nhiều hoàn cảnh.
Ngoài ra, mình mua và ăn những thực phẩm chất lượng. Mình cũng chăm chỉ nấu nướng tại nhà. Bởi trước mình ăn ở hàng quán nhiều nên cũng chán. Mình nhận ra chúng không ngon và đảm bảo dinh dưỡng như bản thân tự nấu. Mình cũng chuyển từ uống trà sữa, cafe sang dùng trà túi lọc, nước lọc. Điều này không chỉ giảm chi phí mà còn có lợi cho sức khỏe”, Thảo Linh tâm sự.
Bỏ phố về quê với câu hỏi: “Kiếm nhiều tiền thì sao?”
Trước khi chuyển về quê nhà Hạ Long, Thảo Linh từng có 5 năm học tập và làm việc tại Hà Nội. Dù có công việc ổn định, mức thu nhập đủ sống nhưng cô lại thấy kiệt sức và mất cân bằng. Đỉnh điểm là khi Thảo Linh gặp stress nặng vì áp lực công việc, dẫn đến mắc nhiều bệnh, chẳng hạn như liệt 2 ngày do bị chèn dây thần kinh. Đó cũng là lúc, Thảo Linh nghĩ cần tìm hướng đi mới cho bản thân sau này.
“Sau cơn ốm nặng ấy, mình nhận ra nếu cứ cắm đầu cắm cổ làm việc, đến lúc mình kiếm nhiều tiền thì sao? Nếu ngày mai, mình không thể thức dậy thì có ý nghĩa gì đâu.
Sau đó, mình lựa chọn về tỉnh lẻ, không có tắc đường, sống giữa kì quan. Ngày nào, mình đi làm cũng thấy chill như đi du lịch. Mình nhận ra tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống, sống vui vẻ mỗi ngày mới là điều quan trọng nhất. Nỗi khó nhọc ngày nào thì đủ cho ngày đó thôi.
Thời đại ngày nay, mình nghĩ chúng ta không thiếu ăn, thiếu mặc. Nếu bản thân mong cầu ít đi thì không cần cắm đầu làm việc, hay nghĩ cách căn ke từng đồng một cho mệt”, Thảo Linh nói.
Nếu có ai đó hỏi Thảo Linh trong 3 năm về quê, cuộc sống của cô nàng có ổn không. Câu trả lời là có. Thảo Linh tự thấy đã học được cách chăm sóc bản thân, sống hạnh phúc và đầu tư lâu dài cho tương lai.
Dù tiết kiệm được khá nhiều tiền theo thu nhập hàng tháng, song Thảo Linh cho biết cô không đặt nặng chuyện đầu tư một tài sản vật chất nào đó. Cô cũng không muốn quá ép bản thân tiếp tục phải tăng ca để gia tăng thu nhập hay nghĩ ra phương pháp đầu tư sinh lời.
Thảo Linh nói, số tiền dành dụm bây giờ, cô tính sẽ mua một gói bảo hiểm cho bản thân, còn lại mua đồ cho gia đình. Với cô, món “đầu tư” lớn nhất hiện tại là dành cho sức khỏe về cả mặt thể chất và tinh thần, tiếp đó là năng lực chuyên môn.
Phụ nữ Việt Nam