Bộ Quốc phòng nói gì về lý do tạm hoãn gọi nhập ngũ người trúng tuyển đại học?
Bộ Quốc phòng đã trả lời cử tri tỉnh An Giang kiến nghị không tạm hoãn gọi nhập ngũ công dân trúng tuyển đại học, cao đẳng.
- 26-02-2024Thanh niên Hà Nội chia tay người thân lên đường nhập ngũ
- 25-02-2024Lịch lên đường nhập ngũ năm 2024 của tuổi trẻ 63 tỉnh thành từ hôm nay
- 08-02-2023Thanh niên TP.HCM bịn rịn chia tay người thân lên đường nhập ngũ
Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung:
“Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng, cao quý đối với Tổ quốc của mỗi công dân. Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 theo hướng quy định công dân khi đã tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì phải thi hành nghĩa vụ quân sự, được bảo lưu việc học tập. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ thì tiếp tục tham gia chương trình học tập đã bảo lưu” (Câu số 23).
Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:
Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về NVQS.
Tại Điều 30 Luật NVQS năm 2015 quy định về độ tuổi phục vụ tại ngũ như sau: “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.
Theo đó, đối với công dân là học sinh, sinh viên, việc tạm hoãn gọi nhập ngũ được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 41 “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.”
Như vậy, quy định của Luật NVQS năm 2015 đã tạo điều kiện cho công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ để tập trung học tập trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo; bên cạnh đó, độ tuổi phục vụ tại ngũ của các công dân thuộc diện tạm hoãn kể trên cũng được kéo dài hơn để công dân có cơ hội được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, góp phần bảo đảm công bằng xã hội trong lĩnh vực NVQS.
Mặt khác, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”.
Một trong những giải pháp đạt được định hướng chiến lược này của Đảng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ. Do đó, việc tuyển chọn và gọi nhập ngũ có trình độ chuyên môn cao, nhất là công dân có trình độ đại học, cao đẳng là cần thiết và phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Như vậy, để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trong tình hình mới thì quy định của Luật NVQS hiện nay về độ tuổi gọi nhập ngũ và tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chính quy là phù hợp.
doisongphapluat.nguoiduatin.vn