MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ về việc SCIC bán vốn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc bán vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), nhưng yêu cầu đặc biệt chú ý việc tư vấn định giá vì liên quan “đồng tiền, bát gạo của nhân dân”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 đang diễn ra ngày 3/10, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC khẩn trương bán vốn nhà tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk, theo hướng công khai, minh bạch, chống thất thoát vốn nhà nước, chống lợi ích nhóm, bảo đảm bán được giá cao nhất, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước.

Nay tại phiên họp Chính phủ, theo Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ chế bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 151 năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của SCIC và Quy chế bán vốn của SCIC. Quy chế bán vốn của SCIC đã quy định cụ thể các nội dung bán cổ phần của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Trong đó, với trường hợp bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận ngoài hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán, sàn Upcom (thực hiện chuyển nhượng qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán) nếu giá bán thỏa thuận ngoài biên độ (vượt trần), SCIC có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị chấp thuận chuyển nhượng và thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc xác định giá bán cổ phần tối thiểu tại các doanh nghiệp đã niêm yết phải bằng hoặc cao hơn giá vốn cổ phần hạch toán trên sổ sách kế toán của SCIC (sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định) nhưng không thấp hơn giá sàn giao dịch trên thị trường tại ngày bán hoặc ngày ký hợp đồng bán cổ phần (không khống chế mức giá bán tối đa cổ phần).

Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2014 đến năm 2015, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại 12 doanh nghiệp niêm yết theo phương thức bán thỏa thuận ngoài hệ thống Sở Giao dịch Chứng khoán, sàn Upcom với giá bán nằm ngoài biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng. Kết quả, giá trị vốn đầu tư SCIC hạch toán trên sổ sách kế tóan là 211,499 tỷ đồng, giá trị bán vốn thu về là 757,904 tỷ đồng, chêch lệch bán vốn là hơn 565,215 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị thu về so với giá trị tính theo mức giá trần của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng là 371,236 tỷ đồng.

Bộ Tài chính thấy rằng, quy định cho phép SCIC thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết với giá bán ngoài biên độ (vượt trần) thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán là phù hợp với quy định của pháp luật về chứng khoán. Bên cạnh đó, quy định xác định giá bán cổ phần tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá vốn cổ phần hạch toán của SCIC tại Quy chế bán vốn của SCIC không vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn của doanh nghiệp nhà nước (kết quả kinh doanh không phát sinh lỗ hoặc có lãi); giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ.

Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 91 năm 2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép SCIC được tiếp tục áp dụng cơ chế bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom theo quy định tại Nghị đinh số 151/2013 cùng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 151 (hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi này) và Quy chế bán vốn của SCIC phù hợp với quy định của pháp luật về chứng khoán.

Sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận, kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần đặc biệt chú ý việc tư vấn định giá. Đây là khâu rất quan trọng, trước hết phải đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn tốt nhất, bảo đảm việc lựa chọn công tâm, khách quan. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng quán triệt tinh thần này, các cơ quan chức năng chú ý theo dõi, giám sát, nhất là với những doanh nghiệp có giá trị lớn, lợi nhuận lớn như Vinamilk. Cùng với đó, các doanh nghiệp từ khi cổ phần hóa phải niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, bảo đảm việc bán vốn nhà nước phải thu về giá trị cao nhất.

“Kinh nghiệm các nước về vấn đề này rất nhiều, chúng ta phải tránh tiếng xấu, tránh những tiếng đồn tiếng đại quanh việc định giá. Đây là đồng tiền, bát gạo của nhân dân”, Thủ tướng nhiều lần nhắc lại yêu cầu này.

Theo Hà Chính

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên