MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính giải thích về cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây tranh cãi

Bộ Tài chính khẳng định, trong điều kiện tồn tại nhiều mức thuế suất như hiện nay, việc lấy mức thuế bình quân gia quyền để áp dụng đối với công thức tính giá xăng dầu là dễ chấp nhận nhất.

Trước phản ứng của Bộ Công thương và Hiệp hội Xăng dầu khi cho rằng việc áp dụng thuế bình quân gia quyền vào công thức giá cơ sở gây bất lợi cho người tiêu dùng và có thể ngược chiều với diễn biến giá thế giới, đi ngược lại với tinh thần điều hành của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, tại buổi Họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Tài chính, đã bảo vệ quan điểm của Bộ Tài chính khi cho rằng đây là cách tính hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay.

Theo Luật Thuế xuất nhập khẩu, có 3 cách tính thuế gồm: thuế nhập khẩu thông thường, thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Thuế nhập khẩu ưu đãi được áp dụng đối với các mặt hàng theo cam kết gia nhập FTA, thuế nhập khẩu thông thường được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không được hưởng tối huệ quốc. Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định cách tính thuế bình quân gia quyền vẫn đảm bảo đúng quy định của Nghị định 83.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do FTA, đối với mỗi Hiệp định lại có cách tính thuế nhập khẩu khác nhau, do vậy mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu cũng khác nhau.

Câu hỏi đặt ra là nếu Bộ Tài chính áp một mức của một biểu thuế nào đó, hoặc lấy mức thuế ở biểu thuế nhập khẩu ưu đãi liệu có được hay không? Trong khi mức thuế nhập khẩu ưu đãi là thuế suất hiện đang cao nhất, còn biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA lại thấp hơn. Chẳng hạn đối với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 20%, nhưng thuế nhập khẩu theo biểu thuế ưu đãi đặc biệt đối với Hàn Quốc hiện nay là 10%.

“Trong công thức tính giá xăng dầu, nếu áp dụng mức thuế suất cao thì rõ ràng không có lợi cho người tiêu dùng và họ sẽ phải chịu mức giá cao. Còn nếu lấy thuế suất thấp nhất, ví dụ như mức thuế suất theo cam kết FTA với Hàn Quốc là 10%, và hiện nay kim ngạch nhập khẩu từ những nước có mức thuế suất như vậy chỉ khoảng gần 20% thì liệu có đảm bảo được nguồn cung xăng dầu cho thị trường hay không?

Bởi vì đối với doanh nghiệp thì mục tiêu của họ là tối đa hóa lợi nhuận, trong trường hợp áp mức thuế 10% mà doanh nghiệp lại nhập khẩu xăng dầu từ thị trường khác có mức thuế cao hơn thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thua lỗ, dẫn đến ngừng nhập khẩu xăng dầu, như vậy sẽ không đảm bảo nguồn cung về năng lượng và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của quốc gia,” Thứ trưởng Vũ Thị Mai lý giải.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính cũng đã tính toán rất kỹ các phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và đã được đồng ý với phương án này. Trong điều kiện tồn tại nhiều mức thuế suất như hiện nay, việc lấy mức thuế bình quân gia quyền để áp dụng đối với công thức tính giá xăng dầu là dễ chấp nhận nhất.

Tuy nhiên, nền kinh tế luôn vận động và phát triển nên việc tiếp tục nghiên cứu để tìm ra được phương án tốt nhất, phù hợp với diễn biến của thị trường là điều cần thiết. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay giá xăng dầu đang được tính theo công thức bình quân gia quyền, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu cách tính tối ưu.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng khẳng định nếu như có những thay đổi về nguồn cung của thị trường xăng dầu hoặc thay đổi về chính sách, chắc chắn Bộ Tài chính sẽ có những đề xuất phù hợp với những diễn biến mới, chứ không thể cứ giữ mãi cách tính bình quân gia quyền như hiện nay.

Theo Nguyễn Tuân

Infonet

Trở lên trên