MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính: "SCIC mới chỉ là anh lính binh nhì thôi!"

SCIC sẽ phải tái cơ cấu, cải tổ và thay đổi quản trị, thực hiện đúng mô hình là quỹ đầu tư vốn của Nhà nước, chậm nhất là đến sau năm 2020.

Đó là thông tin được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC trong thời gian tới khi đơn vị này sẽ trực thuộc Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước theo dự thảo Nghị định thành lập Ủy ban vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.

Thưa ông, nhiều công ty đã được cổ phần hóa và bàn giao về cho SCIC nhưng hiện tỷ lệ thoái vốn rất chậm, đâu là nguyên nhân?

SCIC bây giờ tốt hơn ngày trước, nhưng chưa đạt đúng mục tiêu ban đầu. Đây là công ty đầu tư kinh doanh vốn chứ không phải là công ty quản lý vốn, nên mục tiêu quan trọng nhất bây giờ là anh phải thoái vốn nhanh.

Song thoái vốn nhưng phải hiệu quả chứ không bằng mọi giá. Nên tới đây lộ trình thoái như thế nào phải xây dựng và thực hiện, Chính phủ đã quyết 10 danh mục rồi thì cần phải làm rõ vấn đề đó, công bố sớm.

Việc thoái vốn nhanh hay chậm, quan trọng nhất là SCIC phải tái cơ cấu, cải tổ và thay đổi quản trị của mình, thực hiện đúng mô hình là quỹ đầu tư vốn của Nhà nước. Khi làm quỹ đầu tư, trong quản trị dễ dàng chấp nhận sàng lọc đội ngũ cán bộ, đi thuê cán bộ, lựa chọn cán bộ có năng lực để cạnh tranh.

Theo đó, không thể lấy cán bộ từ bộ ngành sang được mà phải tuyển trên thị trường, là những người thực sự có trình độ quản lý tốt, áp dụng cơ chế đó thì mới hiệu quả được.

Việc cổ phần hóa, thoái vốn khó khăn do còn lợi ích nhóm, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Việc vẫn để ở Bộ ngành là không tốt, bởi còn những lợi ích. Nhưng nếu bàn giao cho SCIC thì có thể quản lý, giám sát, đôn đốc được. Bởi khi đã là DN thì hoạt động theo luật và không thể bộ ngành quản lý.

Giả sử Bộ Tài chính có bao che cho SCIC cũng không thể được. Vừa rồi, với SCIC chúng tôi cũng đề nghị kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính làm chặt, đúng theo quy định một năm làm kiểm tra với DN.

Trong dự thảo Nghị định mới đây về việc thành lập Ủy ban chủ sở hữu vốn Nhà nước, đưa SCIC về Ủy ban này, liệu có phù hợp không thưa ông?

Theo quy định hiện nay các DN cổ phần hóa xong đưa về SCIC. Trong khi Ủy ban quy định quản lý cả DN cổ phần hóa, SCIC cũng quản lý thì tạo ra sự chồng chéo. Giờ dự thảo quy định, chuyển về Ủy ban, xong lại về SCIC, nên vừa quản lý Ủy ban và SCIC thì xung đột.

Vì thế, nếu độc lập SCIC không phụ thuộc ai thì không vấn đề gì. Khi Uỷ ban nhận về và bàn giao SCIC thì dần dần Uỷ ban không còn đối tượng quản lý nữa.

Theo quy định Uỷ ban quản lý SCIC, nhưng có nhiều hạn chế phải xử lý. SCIC là DN do Thủ tướng thành lập, Bộ Tài chính chỉ được Thủ tướng giao làm chức năng quản lý, đại diện sở hữu giúp Chính phủ. Song tới đây Bộ Tài chính cũng rút hết, kiện toàn lại SCIC thì sẽ rút.

Vậy có thể nâng cấp SCIC thay vì thành lập ra một Ủy ban, ông nghĩ có khả thi?

Quan điểm của tôi là mô hình nào cũng phải hiệu quả, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và củng cố SCIC. SCIC không phải là mô hình không đúng mà là không đạt yêu cầu, đó là mô hình tốt. Dù cho có thành lập Ủy ban hay không, thì SCIC vẫn phải củng cố, để đảm bảo không bị lãng phí và chồng chéo.

Vấn đề quan trọng nhất của Bộ Tài chính hiện nay, với chức năng là cơ quan đại diện nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thì dù không có mô hình cũng phải thúc đẩy vấn đề này. Cổ phần hóa rồi thì bàn giao SCIC, là một bước để tách quản lý Nhà nước.

Song SCIC cần phải kiện toàn, xác định được mối quan hệ của SCIC với các bộ ngành trong vấn đề quản lý các DN. Chứ còn giờ với SCIC vẫn chưa yên tâm lắm, con người và quy trình vẫn chưa phải là tiên tiến, là DN quản lý vốn nhưng còn rủi ro.

Trong báo cáo được SCIC công bố cho thấy các khoản đầu tư phần lớn đều tập trung vào tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, hỗ trợ sắp xếp phát triển DN… trong khi có nhiều lĩnh vực cần SCIC đầu tư như khởi nghiệp. Vậy định hướng đầu tư SCIC thời gian tới là gì?

SCIC là cơ quan đầu tư của Chính phủ, quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước là SCIC sử dụng vốn hiệu quả. Việc đầu tư khởi nghiệp có thể được tính đến, có thể là năm 2017 tính đến.

Còn hiện nay, vốn cần phải tập trung vào những lĩnh vực hiệu quả, tạo ra lợi tức nhiều, để thu về ngân sách và có thể từ đó lập ra quỹ khởi nghiệp. Chứ không thể yêu cầu SCIC đầu tư vào rủi ro.

SCIC là công ty đầu tư, thông thường Nhà nước đưa tiền cho công ty đầu tư. Nhưng vì chưa có tiền nên chuyển DN cổ phần hóa, đưa về thoái vốn để lấy nguồn về đầu tư.

SCIC đã làm bước là đưa DNNN về thoái, nhưng thoái vốn phải làm hiệu quả chứ không thể bán rẻ được, thoái xong mới đưa vào đầu tư. Hiện SCIC mới làm được khâu đầu là tiếp nhận và đầu tư, còn phải đổi mới quản trị, quy trình và hoạt động để đầu tư. Có nhiều lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư nhưng giờ SCIC mới chỉ là anh lính binh nhì thôi, chưa phải là anh lính binh nhất.

Thoái vốn và bán vốn cả những lĩnh vực hiệu quả. SCIC cần phải thoái nhanh để đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước cần, như hạ tầng xã hội, giao thông, bệnh viện trường học, chống biến đổi khí hậu… đó là những việc mà SCIC giai đoạn tới phải vươn ra.

Trong luật mới đây, SCIC cũng phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. TPP quy định, nếu SCIC là quỹ đầu tư của Chính phủ thì không chịu sự điều chỉnh của TPP, nhưng nếu SCIC là đơn vị DN, thì sẽ bị điều chỉnh.

Do đó, SCIC cũng phải có kế hoạch để đến năm 2020, chậm nhất 2012 – 2022 thì phải chuyển sang mô hình công ty đầu tư, đúng là quỹ đầu tư. Bởi theo TPP, chỉ cho 5 năm thôi để trở thành quỹ đầu tư, nhưng nếu quản lý DNNN thì mất quyền và đó là thách thức.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên