MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ tiền tỷ sửa chữa, chủ quán karaoke ở Hà Nội ‘méo mặt’ vì vắng khách

08-04-2024 - 07:45 AM | Thị trường

Được hoạt động lại sau khi bỏ hàng tỷ đồng sửa chữa, khắc phục tồn tại PCCC theo quy định mới, nhiều chủ quán karaoke ở Hà Nội lại khốn khó vì rơi cảnh vắng khách.

Sau hơn 4 tháng được hoạt động trở lại, cơ sở kinh doanh karaoke Zone 9 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đang tìm cách để đưa tệp khách hàng quen thuộc trước đây quay trở lại.

Theo ông Quang, chủ quán, cơ sở của ông là một trong những quán karaoke đầu tiên ở Hà Nội được thẩm định an toàn về Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và được cấp phép hoạt động trở lại từ tháng 11/2023.

Để cơ sở kinh doanh karaoke của mình có thể hoạt động trở lại như thế, ông Quang và các cổ đông đã phải đầu tư tới vài tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục tồn tại về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

“Chúng tôi quyết tâm đầu tư thật chuẩn theo quy định mới với mong muốn có thể hoạt động trở lại như trước dịch COVID-19. Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền tỷ với tính toán sẽ hòa vốn nếu lượng khách ổn định như trước. Cũng vì thế mà Zone 9 là một trong những cơ sở đầu tiên được cấp phép hoạt động trở lại” , ông Quang nói.

Thế nhưng theo ông Quang, sau hơn 4 tháng hoạt động, lượng khách sử dụng dịch vụ karaoke tại cơ sở này mới chỉ được khoảng 30% so với thời điểm trước dịch. Việc khách không quay trở lại như dự tính khiến doanh thu bị hụt nặng.

“Với lượng khách đó, doanh thu hàng tháng chỉ đủ để duy trì hoạt động của quán, chưa thể tạo ra lợi nhuận, điều này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, chật vật” , ông Quang nói.

Bỏ tiền tỷ sửa chữa, chủ quán karaoke ở Hà Nội ‘méo mặt’ vì vắng khách- Ảnh 1.

Nhiều quán karaoke ở Hà Nội được hoạt động trở lại nhưng lượng khách vẫn vắng vẻ. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Ông Quang cho biết thêm, giá dịch vụ gần như không thay đổi so với trước đây. Cơ sở kinh doanh Zone 9 đang thu tiền sử dụng dịch vụ karaoke với mức giá trung bình khoảng 400.000 đồng/giờ hát.

“Mức giá trên gần như không thay đổi, tăng chỉ vài chục nghìn so với trước đây, nguyên nhân là tăng theo thị giá chung hiện nay. Giai đoạn này tuy vắng khách và rất mong hòa vốn nhưng chắc chắn chúng tôi không thể tăng giá. Bởi lượng khách đã ít ỏi, nếu mà tăng giá thì chỉ thêm mất khách, còn nếu không tăng thì quán phải chấp nhận bù lỗ”, chủ quán karaoke Zone 9 phân tích.

Theo chủ cơ sở kinh doanh karaoke này, nguyên nhân khiến lượng khách giảm sút là do thói quen của người dân đã thay đổi so với trước. Sau một thời gian dài các quán karaoke phải đóng cửa vì COVID-19 và vướng mắc PCCC, hiện người dân cũng đã quen với nhiều hình thức giải trí khác như hát loa kẹo kéo ở ngoài vỉa hè hoặc sang trọng hơn là thuê ban nhạc về phục vụ tại những hội trường riêng.

Ngoài ra, dịch vụ karaoke thường phát triển đi kèm với cơ sở kinh doanh quán nhậu. Từ khi Nghị định 100 được áp dụng, quán nhậu không có khách đã kéo theo karaoke cũng vắng khách theo.

Đồng tình với những quan điểm trên, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke tại quận Hà Đông (Hà Nội) cũng cho biết, kể từ ngày hoạt động, cơ sở này chỉ trong tình trạng đủ tiền trả mặt bằng và duy trì hoạt động.

“Trước đây mình không được hoạt động, chủ nhà giảm cho tiền nhà khá đáng kể. Nhưng nay mình hoạt động trở lại, họ lấy đủ 100%. Lượng khách hiện tại nói thật để duy trì cũng là rất khó, chỉ mong sau một thời gian nữa thì khách quen sẽ quay lại, còn khách mới sẽ đến thêm, thế mới hy vọng có lãi” , ông nói.

Theo người này, thực tế hiện vẫn có một số quán tăng giá dịch vụ karaoke, tuy nhiên đó chỉ là số ít với tâm lý muốn nhanh chóng bù lại những khoản đã chi ra. Hoặc đó là những cơ sở chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động “chui”. Giá cả của các cơ sở này không được niêm yết và ổn định, khách thường hát xong mới nhận ra khoản phí phải trả đã tăng cao.

Nói về những kế hoạch sắp tới, phần lớn chủ các cơ sở kinh doanh karaoke vẫn lạc quan cho rằng, khi tình hình kinh tế phục hồi, hầu bao của người dân được cải thiện thì khách hàng sẽ quay trở lại với dịch vụ karaoke nhiều hơn.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua cơ sở của ông luôn đóng cửa để tiến hành khắc phục các bất cập về PCCC theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

“Hiện chúng tôi đang chuẩn bị xin thẩm duyệt từ cơ quan chức năng để được hoạt động trở lại một cách chính thống, công khai. Tôi tin rằng khi các cơ sở kinh doanh đều hoạt động chuẩn chỉ, khách hàng sẽ quay trở lại, bởi karaoke vẫn là một trong những dịch vụ giải trí thiết yếu với nhiều người” , ông Sỹ nói.

Một chủ quán khác thì khuyến cáo khách nên tìm hiểu thật kỹ các cơ sở đảm bảo an toàn đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trở lại để tránh cảnh phải sử dụng dịch vụ với chi phí đắt đỏ, thậm chí là "chặt chém".

“Các cơ sở hoạt động “chui” thường sẽ tăng chi phí rất cao so với mặt bằng chung vì họ phải đánh đổi sự rủi ro để phục vụ khách nên cũng sẽ tăng giá bất chấp để kiếm lời. Khách hàng nên tìm đến các cơ sở đã được cấp phép để quyền lợi của mình được đảm bảo một cách tốt nhất” , người này nói.

Theo Thành Lâm

VTC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên