MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Việt Nam sẽ nằm trong Top 4 ASEAN có môi trường đầu tư tốt nhất

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, M&A là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam sâu hơn khi các quy định pháp luật của Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế.

Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập ( M&a mp;A) doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 9 – năm 2017 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM VIệt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 20 diễn giả và 400 lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan quản lý Nhà, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Tại diễn đàn này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết M&A là cơ hội nhận diện những cơ hội đầu tư, đặc biệt là những đột phá trong tư duy. Về phía Chính phủ cũng đã có những đột phá về tư duy, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ... để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư thì ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì hình thức đối tác công tư (PPP) cũng đang được mở rộng và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước.

Đối với Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì các nguyên tắc thị trường được tôn trọng. Trước đó là hỗ trợ đối tượng này trực tiếp thì nay sẽ hỗ trợ là thông qua việc tạo cơ chế, chính sách và các nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào việc này.

Đối với Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để hình thành các Đặc khu kinh tế như: Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) ...

Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm đầu tư casino tại 3 đặc khu này. Tuy nhiên, không chỉ kinh doanh du lịch, đây là nơi phát triển nhiều ngành nghề phù hợp với điều kiện địa lý, tiềm năng... từng khu. Ngoài ngành nghề chiến lược thì các ngành nghề khác được tự do. Thí dụ, cảng Vân Phong có tiềm năng tốt về cảng nước sâu trung chuyển hàng hóa, hoặc cảng Vân Đồn có thể phát triển y tế, hay các ngành nghề khác mà Chính phủ đang trao đổi với các địa phương làm sao các ngành nghề bổ sung cho nhau, các ngành nghề được đầu tư đang rà soát và sớm công bố cho các nhà đầu tư biết.

Luật Quy hoạch, đây là "phát đạn cuối cùng bắn vào thành lũy kinh tế bao cấp". Nếu chúng ta chọn được con đường đi đúng thì chúng ta sẽ đi nhanh, vì “mất nguồn lực chưa quan trọng bằng mất cơ hội”. Luật này góp phần thay đổi quản lý Nhà nước hiện nay, đó là tăng cường liên kết vùng, phát huy hiệu quả trong khai thác nguồn lực của Nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường...

Từ những yếu tố nói trên góp phần giúp các nhà đầu tư có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước “mở”, trong đó có các thương vụ M&A.

Ngoài ra, trong các thương vụ M&A vẫn vướng mắc ở việc thanh toán. Việc này có thể điều chỉnh được và căn cứ vào tính pháp lý của hợp đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, điều chỉnh lại và đảm bảo tính pháp lý. Quan điểm là ai bán thì trả cho người đó, doanh nghiệp bán thì trả cho doanh nghiệp, cá nhân bán thì chuyển trả cho cá nhân.

Đặc điểm của dòng vốn quốc tế là sẽ chảy vào "vùng trũng", nếu Việt Nam không tạo được "vùng trũng" thì không thể hút vốn ngoại. Việc tạo "vùng trũng" đó là của Chính phủ, tuy còn những bất cập nhưng sẽ sửa đổi để cạnh tranh, hấp dẫn hơn, làm sao các cơ quan Nhà nước phải phục vụ doanh nghiệp...

Đến nay, phải nhận diện nền kinh tế Việt Nam có 2 đặc điểm mang tính đặc thù: Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp tập trung sang nền kinh tế thị trường, do đó nó phải có quá trình tiếp cận thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, trong khi Việt Nam vẫn đang cải cách để tiếp cận, tiệm cận các thông lệ tốt của quốc tế, vì chúng ta không thể nằm ngoài sân chơi đó. Do đó, tất cả luật pháp của Việt Nam đang hướng tới điều này chuẩn mực chung quốc tế.

Còn theo ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc, Deloitte Đông Nam Á, càng có thêm nhiều M&A càng tốt cho Việt Nam, đây là chất xúc tác và nhân tố thay đổi cho Việt Nam. Vì Việt Nam chủ yếu tăng trưởng chủ yếu nhờ vào các yếu tố đầu vào: nhân công, vốn... Đây vẫn đang là nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế chỉ huy tập trung sang kinh tế hỗn hợp. Sớm hay muộn Việt Nam phải tìm cách tăng năng suất và M&A là chất xúc tác khiến cho quá trình này sớm diễn ra.

Về vốn, khu vực Đông Nam Á là nhà nhập khẩu vốn quan trọng, Việt Nam sẽ trong xu thế này, vì càng phát triển càng cần nhiều vốn. Điểm then chốt của M&A là các luồng vốn này là vốn lâu dài, cố định chứ không phải luồng vốn nóng.

Trong năm 2016, mặc dù giá trị 530 thương vụ M&A của Việt Nam chỉ đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 5% trong Đông Nam Á là 115 tỷ USD, tuy nhiên so với GDP thì con số này rất ấn tượng đối với Việt Nam.

Theo Hoàng Anh

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên