Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nợ công tăng nhanh là đúng, lỗi trước tiên là tại điều hành
Giải trình nguyên nhân nợ công tăng nhanh trong giai đoạn 2011 – 2015 trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nguyên nhân đầu tiên là điều hành.
- 02-03-2017Nợ vay của DNNN không tính vào nợ công
- 02-02-2017HSBC: Nợ công tăng cao tạo sức ép thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa
- 31-01-2017Tỷ lệ nợ công sát trần, báo động với Việt Nam đang là màu gì?
- 26-01-2017“Bắt tay” giải quyết nợ công tăng nhanh sát trần
Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay các đại biểu đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyết của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án luật.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề tại sao nợ công của Việt Nam tăng rất nhanh trong giai đoạn 2011 – 2015, nguyên nhân từ đâu, liệu lần sửa đổi luật này có giải quyết được thực trạng trên? Bởi lẽ, như Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn ra, từ khi có luật này năm 2009, đến nay, nợ công lại tăng nhanh, điều này là do tổ chức thực hiện luật có vấn đề hay luật có vấn đề, nếu có thì ở đâu, phương hướng giải quyết như thế nào?
Giải trình về những vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng nợ công tăng nhanh là đúng, nguyên nhân trước hết hết là điều hành.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu, chỉ dừng ở mức 5,9% trong khi đó vẫn phải đảm bảo các mục tiêu khác đã đề ra như an sinh xã hội tăng, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, do đó, trong một thời gian dài, chúng ta đã giữ mức bội chi rất cao.
"Chúng ta để mức bội chi lên 5,6,-5,7% là quá cao. Theo Luật Ngân sách cũ, ngoài bội chi ở mức cao thì chúng ta còn phát hành thêm TPCP khoảng 330 nghìn tỷ đồng nên tổng số vay 2011-2015 vào khoảng 1,4 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế nhưng giá trị GDP thực tế mấy năm qua toàn hụt so với dự báo trong khi đó, điều hành cân đối ngân sách đều hoàn thành theo dự toán, theo kế hoạch đặt ra, tức là khả năng có hạn nhưng chi tiêu theo nhu cầu. Vì vậy, nợ công tăng nhanh là đúng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải.
Ví dụ năm 2016, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra là 6,7% nhưng cuối cùng chỉ đạt được 6,21%, giá trị GDP để để tính mẫu số của nợ công bội chi trong dự toán là 5,1 triệu tỷ nhưng thực tế chỉ khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.
“Tổng số nợ tuyệt đối là như thế nhưng mẫu số bá đi thì thương số sẽ tự dưng lớn lên, năm 2015 cũng tương tự. Như thế thì năm nào mà chả cao, làm sao mà quản chặt được, nếu không nhìn thẳng vào sự thật thì nợ công tăng nhanh, áo lực trả nợ cao là đúng, và không khắc phục được nếu cứ để thế này”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra trong giai đoạn 2011 – 2013, để huy động vốn, chúng ta huy động kỳ hạn quá ngắn, lãi suất quá cao, có khoản 11 – 12, 13%/năm nên nghĩa vụ trả nợ dồn vào các năm 2015 – 2017.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng đề cập tới một số nguyên nhân khác dẫn đến nợ công tăng nhanh như việc điều hành khi sự phối hợp giữa các cấp, các ngành không ăn ý. “Quá là bất cập khi vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao mà được? Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được?"
Bộ trưởng nói thêm: “Bàn về nợ công nhưng phải nhìn tổng thể từ nền kinh tế của chúng ta, từ khả năng của nền kinh tế, chứ khả năng có hạn, nợ rồi vay thì kiểu gì cũng vậy. Dự báo thì không đúng, không năm nào đúng cả, tăng trưởng GDP năm nào cũng trật, cũng thấp hơn, trong khi chúng ta trình Quốc hội thông qua dự toán, thông qua bội chi rồi, làm sao tỷ lệ nó chả lềnh phềnh. Đây là một yếu tố hết sức nặng nề”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Đối với các khoản nợ khác của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo cơ chế tự vay tự trả, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết doanh nghiệp là bên vay phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.
“DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu chúng ta cương quyết như thế thì không có vấn đề gì”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.