Bộ trưởng Công Thương đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau 8 năm tạm dừng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
- 23-12-2024Siêu cường châu Á nêu kiến nghị quan trọng ở lĩnh vực 39 tỷ USD với TP giàu top đầu Việt Nam
- 23-12-2024Lịch trình metro số 1 có gì đặc biệt?
- 23-12-2024Xe đi đăng kiểm tại Hà Nội tăng mạnh dịp cuối năm
Chiều ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ này đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp và trường đại học của Nhật Bản nhằm trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Tại Việt Nam, sau 8 năm (kể từ 2016) tạm dừng các Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, mới đây Quốc hội Việt Nam đã quyết định tiếp tục thực hiện chủ chương đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu điện đang hết sức cấp thiết và được dự báo tiếp tục tăng cao.
Theo Bộ trưởng Diên, trước đây chủ trương thực hiện dự án điện hạt nhân được Quốc hội Việt Nam thông qua vào năm 2009. Trong đó, Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn và công nghệ xây dựng.
Do đó, để quá trình tái khởi động dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận 2 được thuận lợi, Bộ trưởng Diên đã đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan phía Nhật Bản xem xét rà soát các cam kết theo thỏa thuận đã ký kết năm 2011, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ông Diên cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục đào tạo nhân lực, gồm đào tạo lại và bổ sung mới, cho Việt Nam thông qua các cơ sở như Đại học Điện lực. Việc này để khi dự án hoàn thành, phía Việt Nam sẵn sàng nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Về phía Nhật Bản cũng bày tỏ hoan nghênh việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2025 và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân. Do vậy, Bộ trưởng Diên đề nghị phía Nhật Bản giới thiệu các công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để Việt Nam xem xét, lựa chọn ứng dụng.
Ông Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ cùng EVN và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Cơ quan này cùng các bên liên quan xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện dự án này.
Phía Nhật Bản với nền tảng kinh nghiệm, nền tảng công nghệ hiện đại có tính an toàn cao, sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tái xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi, thống nhất một số biện pháp tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước đó, năm 2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến tháng 11/2016, do nhiều nguyên nhân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương này.
Mới đây, chiều 30/11, tại phiên bế mạc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đáng chú ý, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25/11/2024 của Chính phủ.
Nhịp Sống Thị Trường