MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Công Thương: EVFTA không phải 'bữa tiệc dọn sẵn chờ chúng ta ngồi'

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng những áp lực và điều kiện phía trước mà Việt Nam phải hoàn thiện còn rất lớn để tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại.Điều này đòi hỏi việc tổ chức thực thi hiệp định phải tốt bằng sự chủ động không chỉ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương mà còn cả doanh nghiệp.Chính phủ và Bộ Công Thương đã trù liệu và tính đến những nội dung hỗ trợ về tài chính, tín dụng, chuyển đổi số... cho doanh nghiệp, dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy định và cam kết.

Quốc hội vừa thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. EVFTA mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường 500 triệu dân, quy mô GDP gần 18.000 tỷ USD và sức cầu lớn thứ hai trên thế giới, đạt 2.400 tỷ USD/năm. Trao đổi với Người Đồng Hành, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ bước đi tiếp theo của cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng tốt nhất những ưu đãi mà EU mang lại.

Bộ trưởng Công Thương: EVFTA không phải bữa tiệc dọn sẵn chờ chúng ta ngồi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Ngọc Hà.


- Quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định EVFTA như vậy là đã hoàn tất. Phần công việc còn lại chỉ là thủ tục: trao đổi công hàm giữa Việt Nam và EU. Theo nguyên tắc hai bên đã thỏa thuận, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai, tức ngày 1/8 tới.- Việc Quốc hội thông qua hiệp định có ý nghĩa như thế nào trong việc hoàn tất quy trình pháp lý phê chuẩn EVFTA thưa ông?

Việc EVFTA được phê chuẩn đã khép lại hành trình 9 năm đàm phán, ký kết để Việt Nam trở thành đối tác bình đẳng, tin cậy của EU. Hiệp định còn có ý nghĩa chiến lược với nền kinh tế, góp phần hoàn thiện hệ thống thương mại đa phương. Từ đây, quá trình hội nhập Việt Nam bước sang một trang mới - giai đoạn Việt Nam chủ động trong chiến lược hội nhập sâu và rộng của thế giới, đảm bảo lợi ích cốt lõi và sự phát triển bền vững của đất nước, nền kinh tế.

- EVFTA có hiệu lực từ 1/8. Vậy mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp khi vào thị trường EU là như thế nào?

- Tôi cho rằng giờ không phải là lúc chúng ta hỏi nhau rằng doanh nghiệp có tiếp cận được ngay thị trường EU hay không? Thay vào đó, chúng ta sẽ phải làm gì để nền kinh tế và doanh nghiệp được thụ hưởng ở mức cao nhất những cơ hội từ EVFTA.

Để làm được điều này, Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc từ rất sớm, ngay từ khi hiệp định còn trong quá trình đàm phán.

Đặc biệt, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng được thể hiện rất rõ trong chương trình hành động của Chính phủ về tổ chức thực thi EVFTA trong năm nay và những năm tiếp theo, gồm 25 nhiệm vụ, chia thành 5 nhóm hoạt động trọng tâm. Trong đó, việc tổ chức tuyên truyền pháp luật được thực hiện không chỉ dành cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng - những chủ thể thực thi hiệp định mà còn cả doanh nghiệp và người dân.

- Theo ông doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?

- EU là thị trường vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, có quy mô GDP lên tới 18.000 tỷ USD. Mỗi năm thị trường 500 triệu dân có nhu cầu nhập khẩu gần 2.400 tỷ USD, lớn thứ 2 thế giới về sức mua. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU dù đã tăng 15 lần, đạt kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD vào 2019 nhưng mới chỉ chiếm 2% thị phần.

Như vậy, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để gia tăng thị phần bằng những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ, điện tử, giày da, nông thủy sản... và thuế suất những mặt hàng này đều được cắt giảm theo lộ trình thay vì duy trì mức 7-30% trước đây.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa mọi thứ đã “dọn sẵn trên bàn tiệc và chỉ chờ chúng ta ngồi vào”. Bởi, thị trường EU có yêu cầu rất khắt khe và đòi hỏi rất cao về mặt chất lượng, đặc biệt những yêu cầu mang tính hàng rào kỹ thuật như kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hay như việc mở cửa thị trường đối với một mặt hàng mới thường gắn với những điều kiện cụ thể về mô hình tổ chức, điều kiện sản xuất, an toàn của người lao động...

Ví dụ, thủy sản là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ tại thị trường EU, nhưng thị phần trong những năm qua vẫn chưa phát triển được nhiều vì đang bị thẻ vàng do vi phạm quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

Trong thời gian tới, những áp lực và điều kiện phía trước Việt Nam cần hoàn thiện còn rất lớn, đòi hỏi việc tổ chức thực thi EVFTA phải tốt bằng sự chủ động không chỉ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương mà còn cả doanh nghiệp.

- Những bước đi cụ thể ngay sau đây để hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan quản lý, bộ ngành, địa phương là gì, thưa ông?

- Bộ Công Thương đã đề xuất phương án để cơ quan quản lý nhà nước báo cáo Quốc hội và thông qua Nghị quyết cho phép thực thi ngay một số điều khoản nội luật đang có sự khác biệt như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo hiểm...

Tiếp nữa, một số văn bản quy phạm pháp luật và những văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước thì có kế hoạch xây dựng và ban hành ngay.

Bộ trưởng Công Thương: EVFTA không phải bữa tiệc dọn sẵn chờ chúng ta ngồi - Ảnh 2.

Gạo là mặt hàng có thuế suất 0% ngay trong ngày đầu tiên EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Báo Đầu tư

Về phía mình, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hướng dẫn cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho mặt hàng gạo, để sản phẩm có điều kiện tiếp cận thị trường EU. Gạo hiện là mặt hàng Việt Nam đang có ưu thế và lợi thuế rất lớn, nhất là khi  thuế suất sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Ngoài ra, trong chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA, Chính phủ và Bộ đều trù liệu và tính đến việc hỗ trợ về tài chính, tín dụng... cho doanh nghiệp, dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy định của Việt Nam và cam kết của hiệp định.

Bộ Công Thương cũng sẽ làm việc với các bộ, ngành, địa phương để có chương trình hỗ trợ phù hợp, như rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ về tín dụng gắn với mục tiêu khai thác tối đa thị trường này;  hướng dẫn truy xuất nguồn gốc và cụ thể hóa những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ làm việc với EU để thực hiện việc cắt giảm thuế theo lộ trình mà hai bên đã cam kết.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng rà soát chương trình thương mại điện tử quốc gia, chương trình công nghiệp hỗ trợ... để đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp. Cơ quan quản lý cũng sẽ xây dựng chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và xây dựng thương hiệu để cùng với doanh nghiệp tiếp cận từng thị trường thành viên EU.

Tại thị trường trong nước, Bộ và các địa phương sẽ ban hành ngay một số giải pháp để giúp doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp thương mại tăng cường năng lực, phát triển và hiện đại hóa hệ thống phân phối. Đồng thời, khung khổ pháp lý cũng sẽ được hoàn thiện để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cam kết hội nhập như WTO và EVFTA cũng được chú trọng.

Chương trình hành động về EVFTA của Chính phủ sẽ sớm được ban hành. Đây sẽ là nguyên tắc, nền tảng quan trọng để Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Tôi tin chắc rằng khi chúng ta làm tốt được những công việc nêu trên thì EVFTA không chỉ mang lại hiệu quả, ý nghĩa trong ngắn hạn mà còn giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong dài hạn.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

Trở lên trên