Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng tuổi hưu không thể chậm hơn nữa
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể chậm hơn nữa. Tôi càng ngày càng thấy sự cần thiết của việc này”.
- 04-05-2019Tăng tuổi hưu, nhiều vấn đề mới còn tranh cãi
- 14-07-2018Đề xuất 2 phương án tăng tuổi hưu
- 10-05-2018Trung ương bàn cải cách BHXH: Đề nghị tăng tuổi hưu từ năm 2021
- 05-05-2018Tăng tuổi hưu: Năm 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56
XEM CLIP:
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của UB Các vấn đề xã hội thẩm tra dự án bộ luật Lao động sửa đổi chiều nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những ngày qua, cơ quan soạn thảo và Chính phủ bàn thảo rất nhiều về bộ luật này.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung |
Theo ông, đây là đạo luật có nhiều nội dung phức tạp, trong đó có những nội dung chưa có tiền lệ, có những vấn đề nhạy cảm, vì vậy cơ quan có thẩm quyền đã cho ý kiến không chỉ 1 lần. Trong Chính phủ đã họp 2 phiên để cho ý kiến.
Riêng đối với việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu là việc Việt Nam không thể chậm hơn nữa. Tôi càng ngày càng thấy sự cần thiết của việc này”.
Nếu theo lộ trình như dự thảo thì đến năm 2036, người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60, đến 2029 thì người nam giới bình thường mới nghỉ ở độ tuổi 62.
Bộ trưởng đề nghị báo chí tuyên truyền nhiều hơn để dư luận, đặc biệt là công nhân, hiểu rõ và đầy đủ về nội dung này.
Ông giải thích thêm, điều kiện nâng tuổi nghỉ hưu là điều kiện bình thường. Còn những người suy giảm sức lao động, làm trong các ngành nặng nhọc, độc hại… thì cần thiết giảm tuổi nghỉ hưu 5 năm.
Ngược lại, những lực lượng có trình độ cao, một số ngành đặc biệt như tòa án, viện kiểm sát, các giáo sư, phó giáo sư... có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu 5 năm.
Ngoài ra, dự thảo mới thiết kế thêm một mục những trường hợp đặc biệt suy giảm sức khỏe 61% được quyền lựa chọn nghỉ sâu hơn nữa.
"Trong dự kiến của chúng tôi, những đối tượng này có thể nghỉ lên đến 10 năm. Còn suy giảm sức khỏe 81% thì bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng được nghỉ hưu ngay", Bộ trưởng Lao động phân tích.
Ông Dung cũng thông tin thêm, cùng với việc sửa bộ luật Lao động, Chính phủ cũng thiết kế điều chỉnh một số luật khác liên quan. Ví dụ như luật Bảo hiểm xã hội, theo nghị quyết TƯ có thể đóng BHXH thấp xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm.
"Tức là đồng bộ với các luật khác chứ không phải cứ nói tăng tuổi hưu là tăng hết. Ý kiến khác nhau là bình thường. Trong lúc này chúng tôi lắng nghe hết, cái gì đúng chúng tôi tiếp thu, chưa đúng thì chúng ta tiếp tục trao đổi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Ngoài nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một số nội dung khác của dự luật cũng nhận được nhiều quan tâm như đề xuất thêm ngày nghỉ lễ 27/7, Tết nguyên đán không được nghỉ bù khi trùng với ngày nghỉ bình thường, đổi giờ làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước thành 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút...
Nhiều ý kiến của UB Các vấn đề xã hội cho rằng dự thảo có nhiều nội dung tác động trực tiếp đến đông đảo người dân. Tuy nhiên, ban soạn thảo mới lấy ý kiến hầu hết của các bộ ngành, chuyên gia nhưng còn ít ý kiến góp ý của người lao động, những người trực tiếp chịu tác động.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đặt vấn đề có thể đưa dự thảo bộ luật này thông qua theo quy trình 3 kỳ họp thay vì 2 kỳ.
Sau đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị UB Các vấn đề xã hội cân nhắc để đưa dự thảo thông qua theo quy trình 2 kỳ họp.
Dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được thảo luận lần đầu tại kỳ họp QH khai mạc vào sáng mai.
Vietnamnet