Bộ trưởng GTVT trả lời về BOT Cai Lậy
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT cùng các tỉnh liên quan đã đàm phán với nhà đầu tư để có những điều chỉnh.
- 07-12-2017Bộ Giao thông: BOT Cai Lậy rối loạn do thu phí bất cập
- 07-12-2017Nhà đầu tư BOT Cai Lậy được ưu ái chỉ định thầu
- 06-12-2017Chủ đầu tư đề nghị điều tra hành vi gây rối tại trạm thu phí BOT Cai Lậy
LTS: Trong những ngày trạm BOT Cai Lậy bị phản đối , dư luận luôn thắc mắc: Vai trò của Bộ GTVT tới đâu? Vì sao tân bộ trưởng GTVT không lên tiếng? Nay, lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí ngoài ngành, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.
“Tư lợi trong quyết định dự án này không bao giờ có. Nếu cơ quan chức năng phát hiện thì tôi sẽ xử lý nghiêm hết toàn bộ” - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh với Pháp Luật TP.HCM.
. Phóng viên: Ông nhận chức bộ trưởng mới hơn một tháng, đúng lúc ngành giao thông đối mặt với bức xúc của xã hội về các dự án BOT mà trực tiếp, gay gắt nhất là BOT Cai Lậy. Xin hỏi cảm xúc của ông lúc này?
+ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngoài báo ngành, đây là lần đầu tiên tôi xuất hiện trên báo chí với khẳng định là tôi cùng với lãnh đạo bộ, lãnh đạo các vụ có trách nhiệm và xin chịu trách nhiệm về các dự án BOT mà ngành đã triển khai trong thời gian qua. Với trách nhiệm ấy, tôi mong mỏi xã hội, người dân lắng nghe, tìm hiểu hoàn cảnh mà các dự án đó được nghiên cứu, triển khai.
Chúng ta đều biết hạ tầng kỹ thuật giao thông trước đây xuống cấp thế nào, trong lúc ngân sách vô cùng eo hẹp, phải siết giảm chi đầu tư công để ổn định kinh tế vĩ mô. Trước tình hình cấp bách ấy, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết 13, rồi Chính phủ ban hành Nghị định 108 cho phép mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bằng hình thức kết hợp cả đầu tư bằng ngân sách và BOT. Đây chính là cơ sở chính trị, pháp lý cho việc triển khai các dự án BOT trên đường độc đạo.
Căn cứ như vậy, đòi hỏi thực tiễn như vậy, Bộ GTVT cùng với các ngành trung ương, rồi bàn với từng địa phương để tìm giải pháp hợp lý nhất.
. Là người ký quyết định triển khai dự án BOT Cai Lậy, ông giải thích thế nào trước những phản ứng của rất nhiều tài xế qua trạm này những ngày qua?
+ Chuyện xảy ra ba tháng trước, khi tôi còn ở tỉnh và vừa rồi bùng trở lại, tôi theo dõi rất kỹ. Giải quyết vấn đề ùn tắc, xuống cấp ở tuyến quốc lộ 1 qua Cai Lậy, Bộ và địa phương đã nghiên cứu từ nhiều năm trước. Tháng 8-2013 tôi về làm thứ trưởng thì tháng 10, rồi tháng 12 công tác chuẩn bị hoàn tất, tôi ký các văn bản thống nhất với địa phương, phê duyệt dự án.
Đề bài lúc đấy là quốc lộ 1 qua Cai Lậy xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ gà. Cầu Cai Lậy thì nhỏ hẹp, như nút thắt. Cứ cuối tuần, ngày lễ là ùn tắc nghiêm trọng. Mà vốn trích từ quỹ bảo trì đường bộ không được bao nhiêu, dặm vá được chút nào ít lâu lại hỏng. Địa phương lại mong muốn làm tuyến tránh, vừa giảm tải giao thông nội thị, vừa giúp mở rộng không gian đô thị hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…
Thời điểm đó, cân đối các nguồn lực, Bộ xin chủ trương và được lãnh đạo đồng ý kêu gọi BOT cho dự án này. Nhiều phương án được đặt ra, nhất là vị trí đặt trạm thu phí. Nếu chỉ đặt trên tuyến tránh thì tư vấn tính toán phải 30 năm mới hoàn vốn, quá lâu, bởi các BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, dài nhất lúc đó chỉ 20 năm. Lâu như vậy thì ngân hàng không rót vốn. Vậy nếu muốn làm thì ngân sách phải bỏ ra hàng trăm tỉ. Nhưng ngân sách lúc đó không có, mà cơ sở pháp lý cho hợp tác công tư PPP cũng chưa hoàn thiện. Mặt khác, các BOT trước Cai Lậy đều 100% vốn chủ đầu tư tự huy động…
. Nhưng vẫn có thể phân luồng giao thông từ xa để xe tải, xe khách… phải đi qua đường tránh thay vì trốn trạm vào quốc lộ 1 cũ chứ?
+ Lúc nghiên cứu, anh em tính toán hết nhưng thực sự rất khó. Tuyến tránh ngoài nhiệm vụ giảm tải cho quốc lộ 1 hiện hữu còn nhằm phát triển đô thị Cai Lậy. Vậy nên rất nhiều tuyến đường ngang kết nối giữa đường tránh, đường cũ. Nếu chỉ đặt trạm trên tuyến tránh, tài xế sẽ rẽ vào các đường ngang né phí, vừa phá hỏng đường vừa mất an toàn cho người dân địa phương.
Mặt khác, thời điểm đó nhiều dự án BOT tuyến tránh khác đều chọn giải pháp đặt trạm đón đầu như hiện tại. Chúng tôi khó làm khác. Mà làm theo cách phân luồng vậy thì dễ bị bắt bẻ là không cho tài xế lựa chọn đường đi.
Tóm lại, nếu đặt trạm thu phí trên tuyến tránh thì sẽ không thể đạt mục tiêu tổng hợp của dự án: Cải thiện giao thông nội thị Cai Lậy, ảnh hưởng hiệu quả tổng hợp của chủ trương cải tạo, nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 1 và không có khả năng kêu gọi đầu tư.
. Việc nghiên cứu dự án BOT Cai Lậy lúc ấy tính toán thế nào với chủ trương đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ? Bởi nếu tuyến này làm xong thì sẽ không còn nhiều xe qua Cai Lậy nữa và như thế tuyến tránh không còn cần thiết?
+ Đây cũng là một thách thức với dự án. Vừa rồi, trong dự án cao tốc Bắc-Nam, Quốc hội đã cho làm cầu Mỹ Thuận. Dự kiến sau năm 2020, khi dự án hoàn thành thì mật độ giao thông trên quốc lộ 1 sẽ giảm đột biến. Doanh thu BOT Cai Lậy vì vậy cũng sẽ giảm theo. Vậy thì phải tính toán vị trí đặt trạm làm sao để sớm thu hồi vốn cho dự án này.
Còn nói tuyến tránh cần thiết hay không thì phải khẳng định là rất cần. Chẳng lẽ để người dân địa phương chịu cảnh ùn tắc, tai nạn giao thông thêm 8-9 năm nữa? Rồi nhu cầu phát triển đô thị Cai Lậy cũng cần mở thêm đường sá. Thực tế, đường mở đến đâu thì kinh tế phát triển ngay đến đó.
Làm quản lý nhà nước, chúng tôi không thể đứng nghiêng về bên nào, cho dù là nhà đầu tư hay địa phương. Nhưng giao thông là bài toán kinh tế tổng hợp, đa mục tiêu. Muốn đạt được mục tiêu thì phải giải quyết được vấn đề vốn và hoàn vốn. Mình cũng phải hiểu và đáp ứng thì mới kêu gọi đầu tư được.
Vì sao lại làm BOT đường độc đạo?
. Trở lại với những bức xúc BOT đường độc đạo, đồng ý với ông là cơ sở chính trị, pháp lý đầy đủ nhưng người dân vẫn rất băn khoăn là đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi mà tại sao đi trên đường độc đạo lại vẫn phải mua vé BOT?
+ Quỹ bảo trì đường bộ mới hình thành mấy năm gần đây. Thời điểm 2013, thu phí bảo trì đường bộ cả nước chỉ được 5.000 tỉ đồng, gọi là để bảo trì, duy trì 20.000 km đường. Mấy năm rồi ngân sách còn phải bỏ thêm vào, rồi số lượng phương tiện tăng thì năm nay quỹ mới lên được 10.000 tỉ đồng.
Quỹ nhỏ vậy nên bình quân chỉ bố trí được 50 triệu đồng/km/năm. Mười mấy kilomet quốc lộ 1 qua Cai Lậy không bố trí được bao nhiêu tiền, nói thật duy tu nhỏ còn khó. Ổ gà chi chít, dặm vá mấy bữa lại hỏng. Còn muốn duy tu lớn thì theo quy định, từ quỹ bảo trì đường bộ, tối đa một dự án không quá 20-30 tỉ đồng. Mặt khác, quan điểm lúc đó là ưu tiên nguồn vốn ngân sách, quỹ bảo trì cho các dự án giao thông vùng sâu, vùng xa, nơi không có khả năng thu hồi vốn, khó gọi BOT.
Vậy nên chúng tôi phê duyệt BOT Cai Lậy với yêu cầu phải cải tạo, nâng cấp thực sự toàn bộ mặt đường quốc lộ 1 cũ, hệ thống thoát nước, sơn, biển báo. Tinh thần là có thể khai thác ổn định khoảng tám năm mới phải trùng tu. Tổng giá trị đầu tư cho đoạn đó 380 tỉ đồng, chưa kể chi phí duy trì hết đời dự án thì chủ đầu tư phải chịu, chứ không lấy từ quỹ bảo trì đường bộ.
. BOT Cai Lậy chỉ là một trong nhiều dự án mà trạm thu phí được đặt trên đường độc đạo. Như thế, rõ ràng người dân không có quyền lựa chọn trong khi giao thông đường bộ là dịch vụ cơ bản mà Nhà nước phải đáp ứng. Ông nghĩ thế vào về bất cập đó?
+ Như tôi đã trình bày ở trên, những dự án đã triển khai có cơ sở chính trị, pháp lý của nó. Nhưng Bộ GTVT cũng đã nhận ra những bất cập của cách làm này. Bởi nếu cứ thế thì rồi trên các tuyến quốc lộ độc đạo trạm thu phí sẽ dày đặc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận tải, áp lực tới nền kinh tế…
Vậy nên từ tháng 5-2016 Bộ đã điều chỉnh, không phê duyệt BOT trên đường hiện hữu nữa. Một số dự án mới triển khai bước đầu cũng dừng, hủy. Vừa rồi Quốc hội thông qua Nghị quyết 437 quyết định từ nay không làm BOT trên đường độc đạo nữa, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, sẽ chấp hành nghiêm. Nhưng đây là chính sách mới. Các dự án BOT cũ đã triển khai, đang thu phí và còn vài cái sắp hoàn thành thu phí là theo quy định cũ, đặt trong bối cảnh cũ, yêu cầu cũ. Cái gì cũng có lịch sử của nó vậy.
. Có ít nhất sáu dự án BOT giao thông tuyến tránh kết hợp nâng cấp, cải tạo đường cũ. Tất cả đều gặp phải phản ứng của người dân sở tại, của tài xế nhưng giờ xem ra tương đối ổn, chỉ còn Cai Lậy là nóng bỏng. Trực tiếp ký hồ sơ dự án BOT Cai Lậy, ông nghĩ gì?
+ Quốc lộ 1 đường về miền Tây lưu lượng xe rất lớn trong khi hạ tầng rất kém. Người dân, chính quyền địa phương và chúng tôi rất lo. Nhưng để triển khai dự án, anh em rất thận trọng, đều phải xin ý kiến địa phương để cùng Bộ có giải pháp cuối cùng. Nếu không có ý kiến địa phương thì Bộ không thể trình quyết được, nói thẳng như thế.
Giờ bà con yêu cầu là phải hỏi ý kiến hiệp hội, ý kiến tài xế… nhưng thực sự thiết chế đại diện của ta có thế nào, chúng tôi đều đã hỏi: UBND tỉnh, HĐND tỉnh, rồi cả đoàn đại biểu Quốc hội. Được chấp thuận mới có các bước tiếp theo.
Bức xúc của người dân với các BOT độc đạo vừa qua là có cơ sở và Bộ cùng các tỉnh liên quan đã đàm phán với nhà đầu tư để có những điều chỉnh. Giải pháp chủ yếu là miễn, giảm cho người dân vùng xung quanh cũng như xe tải, xe đò. Như thế, bà con ở đó được hưởng lợi lớn nhất từ dự án nhưng cũng được miễn, giảm tối đa phí BOT. Các tỉnh phối hợp rất tốt, tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ. Với Cai Lậy, chúng tôi cũng hy vọng như vậy…
. Còn những dư luận, ý kiến rằng BOT gắn với lợi ích nhóm?
+ Tôi gặp các anh đây là lần đầu tiên với báo chí, rất thành thật. Với dự án Cai Lậy, anh em tham gia với tinh thần vô tư nhất, mong muốn giải quyết vấn đề ách tắc giao thông trên quốc lộ 1, kết hợp phát triển hạ tầng cho địa phương đang đô thị hóa. Giờ bà con, chuyên gia đề xuất nhiều phương án nhưng thực sự tất cả cũng đã được chúng tôi tính tới. Thấy phương án nào hiệu quả nhất thì mình làm thôi.
Còn chúng tôi không hùn hạp với nhà đầu tư, hay hùn hạp với nhà đầu tư khác để tạo điều kiện cho nhà đầu tư này. Tư lợi trong quyết định dự án này không bao giờ có. Nếu cơ quan chức năng phát hiện thì tôi sẽ xử lý nghiêm.
. Họp Thường trực Chính phủ hôm 4-12, Thủ tướng đã chỉ đạo là dù đúng quy định, đúng quy trình nhưng người dân còn ý kiến thì còn lắng nghe, tìm giải pháp khắc phục. Vậy giải pháp của Bộ GTVT thế nào?
+ Hôm rồi Bộ GTVT đã trình ba phương án, mỗi phương án lớn có thể sẽ còn các phương án nhỏ khác nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo Chính phủ. Phương án nào cho Cai Lậy thì cũng có tác động lan tỏa tới các BOT khác. Cả nước đến giờ có 88 trạm thu phí, mỗi điều chỉnh nhỏ đều sẽ tác động rất lớn. Chính phủ quyết thế nào, chúng tôi sẽ chấp hành.
Cán bộ ngành giao thông thực sự rất tâm trạng. Chúng tôi hy vọng vấn đề của các BOT hiện tại sớm được thống nhất nhìn nhận, giải quyết. Nếu bức xúc kéo dài thế này thì sẽ rất khó triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng mà Quốc hội đã thông qua.
Tôi hy vọng xã hội nói chung, anh em tài xế có sự chia sẻ những khó khăn của ngành giao thông. Đấy là khó khăn trước những điều chỉnh chính sách về BOT. Quá trình nghiên cứu những dự án này chưa nghĩ hết được, do đó phát sinh một số bất tiện cho bà con, tài xế. Tôi thay mặt ngành mong bà con, xã hội thông cảm.
. Xin cám ơn ông.
Thanh tra BOT là cần thiết
Đang có một số hiểu lầm về các cuộc thanh tra, kiểm toán với các dự án BOT giao thông. Theo quy định, giá trị đầu tư khi phê duyệt dự án chỉ là mức dự tính, bao gồm cả dự phòng trượt giá, chi phí giải phóng mặt bằng. Sau khi dự án hoàn thành rồi, theo hợp đồng với nhà đầu tư BOT, các bên sẽ tiến hành kiểm toán, chốt giá trị thực tế làm căn cứ tính toán chính thức mức giá phí, thời gian thu phí… Vậy nên các cuộc kiểm toán vừa rồi chốt con số thấp hơn giá trị phê duyệt ban đầu, giảm thời gian thu phí hợp lý là bình thường.
Tổng cộng đến nay đã có 107 cuộc kiểm toán, thanh tra các dự án BOT. Riêng BOT Cai Lậy đã có hai cuộc của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ KH&ĐT. Vừa rồi lại có dư luận cho là phần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 qua Cai Lậy không thi công đúng như thiết kế nên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo thanh tra toàn diện. Hiện Thanh tra Bộ đang làm.
BOT đang được dư luận quan tâm thế này, tôi cho rằng thanh tra, kiểm tra là cần thiết. Chúng tôi rất hoan nghênh, không chỉ Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước mà cả các cơ quan pháp luật cũng nên vào. Vào để tính đúng, tính đủ kinh phí nhà đầu tư đã bỏ ra, công khai để người dân được biết, để dư luận ủng hộ. Quan điểm của Thủ tướng, của chính phủ là đánh giá mọi vấn đề trên cơ sở hoàn toàn lịch sử, theo quan điểm, quy định tại thời điểm đó. Còn nếu làm sai, nhất là có tư lợi sẽ xử lý nghiêm.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thế
Pháp luật TPHCM