Bộ trưởng KH-ĐT trả lời về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Chiều nay, 10.11, Quốc hội thảo luận tổ về Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trước thềm thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi nhanh cùng báo chí.
- 11-09-2017Chính thức trình dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
- 11-05-2017Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phú Quốc có cơ chế đặc thù
- 01-06-2015Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoạt động thế nào?
Trao đổi về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Dũng cho biết: "Trước hết chúng ta mong muốn tạo ra một sân chơi mới, thể lệ mới cho người chơi mới, để đón nhận làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới. Hiện đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn, đây là cơ hội để mình đón nhận làn sóng đó".
Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định "chủ trương của Đảng, Hiến pháp đã có, giờ nhiệm vụ của chúng ta là luật hoá, để thành lập các đặc khu, tạo ra những thể chế tốt nhất vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, rút ra bài học kinh nghiệm về thất bại của các đặc khu trên thế giới".
Theo Bộ trưởng Dũng, để thu hút đầu tư một cách hiệu quả thì "Chúng ta nên đưa những cái nhà đầu tư cần và thể chế của chúng ta có thể cho phép, chứ ko đi theo cách tiếp cận là chúng ta có gì chúng ta cho nhà đầu tư". Và "đây là bộ luật rất khó, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật của Việt Nam. Có người đã nói rằng, đây là bộ luật có một số vấn đề có thể vượt trên các luật khác và chỉ dưới Hiến pháp... Sự thành công hay thất bại của luật này phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của chúng ta có cởi mở hay không, vì nhà đầu tư có một quyền rất lớn là quyền không làm".
Về kinh tế, đây là những vị trí hết sức chiến lược có lợi thế so sánh để có điều kiện phát triển. Thứ hai là cái mình tạo ra thể chế mới ở khu này, đây là cái đóng góp rất lớn cho những ngành mà chúng ta lựa chọn cho các khu này.
Hiện có 2 phương án dành quyền tự chủ cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Thứ nhất là không tổ chức UBND và HĐND, điều này không vi phạm Hiến pháp, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, làm sao dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị.
Tuy nhiên khi uỷ quyền nhiều, phân cấp, phân quyền nhiều cho trưởng đặc khu thì chúng ta phải có cơ chế giám sát đi kèm.
Ban soạn thảo, Chính phủ cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành TƯ theo ngành dọc và theo chiều ngang để có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt này và trưởng đơn vị hành chính đặc biệt.
Khi thành lập các đơn vị này chúng ta không đi đầu tư, mà tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh để người ta vào đầu tư, từ làm hạ tầng đến kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đến phát triển các dự án ở đây đều do các nhà đầu tư hết.