MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng LĐ-TB-XH: Có thể dừng hoá đơn, hoãn xuất cảnh nếu trốn đóng BHXH

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết Luật BHXH (sửa đổi) có thể sẽ áp dụng một số chế tài mạnh hơn đối với hành vi trốn đóng BHXH như: dừng hoá đơn một thời gian hay hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp

Sáng 6-6, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về thực trạng việc làm, nguồn nhân lực, quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội...

Bộ trưởng LĐ-TB-XH: Có thể dừng hoá đơn, hoãn xuất cảnh nếu trốn đóng BHXH - Ảnh 1.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) sau khi cho rằng việc chậm đóng, trốn đóng BHXH gây hệ lụy rất lớn đến người lao động (NLĐ) đã chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH: nguyên nhân, giải pháp là gì? Dư luận cũng rất bức xúc việc thu sai bảo hiểm xã hội (BHXH) của chủ hộ kinh doanh cá thể, vậy quan điểm và giải pháp khắc phục của Bộ trưởng?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết cho đến hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, cộng cả gốc và lãi là 8.560 tỉ đồng. So với năm 2021 tỉ lệ này tăng khoảng 2,69%. Trong đó có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, cũng có số ít bộ phận là trốn đóng. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của khoảng 206.000 lao động.

Thời gian qua Bộ đã điều chỉnh một số giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho số lao động này. Cho đến nay, cơ bản số lao động bị ảnh hưởng đã được giải quyết căn bản các chế độ, chính sách.

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, một phần do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt có DN cố tình chậm và trốn đóng; cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội chưa quản lý hết đối tượng cũng như quản lý thiếu hiệu quả; cơ sở kết nối dữ liệu chưa tốt.

Về giải pháp, Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết đã thực hiện các giải pháp cụ thể, chỉ đạo BHXH thực hiện theo nguyên tắc thu tiền của NLĐ đến đâu thì thực hiện chế độ chính sách đến đó.

Nếu NLĐ có giai đoạn đóng bị ngắt quãng thì BHXH ghi nhận lại nhưng vẫn phải tính chế độ cho NLĐ. Đồng thời tạo điều kiện cho NLĐ đóng BHXH ở đơn vị mới hoặc bảo lưu nếu thôi tham gia BHXH.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH: Có thể dừng hoá đơn, hoãn xuất cảnh nếu trốn đóng BHXH - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Còn về căn cơ, lâu dài, Bộ trưởng cho rằng cần sửa Luật BHXH. "Và dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình QH tại kỳ họp tháng 10 tới đây là có những nội dung này. Cùng với đó bổ sung quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH. Với trốn đóng, hiện đã có quy định, thậm chí là xử lý hình sự. Tuy nhiên, khái niệm, hành vi không xác định rõ được nên đến giờ chưa xử lý hình sự được một trường hợp nào. Ví dụ, như tại TP HCM, có tới 84 đơn chuyển sang cơ quan điều tra nhưng chưa xử lý được" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết trong Luật BHXH sửa đổi sẽ áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn, hiệu quả hơn như thông lệ quốc tế. Ví dụ, có nước đã dừng hóa đơn của DN trong một thời gian hay hoãn xuất cảnh đối với chủ DN….

Về việc chủ hộ kinh doanh cá thể phải đóng BHXH bắt buộc, giờ lại bị "treo" lương hưu, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong báo cáo của Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ thời gian vừa qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai tỉ lệ không nhỏ chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải đối tượng quy định đóng BHXH bắt buộc. Việc thu sai diễn ra suốt từ năm 2003-2016. Bộ đã phát hiện và đã chấn chỉnh cơ quan BHXH

Đây là nội dung chưa quy định trong quy định Luật BHXH hiện hành, vì vậy cần đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ trưởng, chúng ta đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và bị xử lý theo quy định.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết có 3 hướng giải quyết và đang đề xuất cơ quan có thẩm quyền.

Nếu Quốc hội cho phép, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang chế độ BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Trường hợp không muốn, không có nhu cầu thì có thể chuyển sang BHXH tự nguyện.

Trường hợp xấu nhất, cả NLĐ và cơ quan BHXH không đồng ý thì phải thoái thu, trả lại quyền lợi cho người đã bị thu BHXH và tính lãi, chí ít phải tính bằng tăng trưởng mà quỹ bảo hiểm đã và đang sử dụng.

"Quan điểm cá nhân tôi, phải đặt quyền lợi, lợi ích của NLĐ lên hàng đầu, cùng với đó nên khuyến khích, điều chỉnh chính sách chuyển sang bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo NLĐ về già có lương hưu, cuộc sống ổn định" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời.

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến - Huy Thanh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên