Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về khát vọng xây dựng một “cường quốc nông nghiệp sinh thái”
"Khi đó Việt Nam sẽ là cường quốc về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của thế giới thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công, giá trị gia tăng thấp", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
- 23-11-2021Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt
- 23-11-2021Loạt dự án đầu tư công như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam, tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội... tác động ra sao đến giá đất sắp tới?
- 29-10-2021Tận dụng kinh tế số, DN nông nghiệp 'dù nhỏ nhưng không lẻ'
Ngành nông nghiệp từ trước tới nay luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.Với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nông nghiệp được xem là ngành kinh tế chủ đạo của vùng, được định hướng tập trung vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, thời gian qua, liên tục các cụm từ "Giải cứu nông sản" hay "Bài toán thương hiệu của nông sản Việt trên trường quốc tế" vẫn thường xuất hiện trên mặt báo. Có thể thấy, mặc dù nền nông nghiệp nước nhà đã ghi nhận những chuyển biến tốt khi tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, song tư duy sản xuất theo sản lượng vẫn "kìm chân" sự phát triển của ngành.
Điều này đã tạo nên tình trạng khập khiễng giữa cung và cầu. Do đó, khi nông sản hiếm thì giá tăng, khi các bên thương lái không tiến hành thu mua hay cung vượt quá cầu thì giá bán quá rẻ và không phản ánh đúng giá trị thực của nông sản.
Để giải quyết bài toán trên, việc xây dựng kinh tế nông nghiệp để tạo dựng mối liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đảm bảo sự cân đối của các yếu tố thành phần, nhằm đem lại lợi ích kinh tế tốt nhất cho các đối tượng tham gia, cũng như đảm bảo các yếu tố bền vững của ngành trong nền kinh tế.
Trong khuôn khổ Vietnam Summit in Japan 2021 , tọa đàm Kinh tế Nông nghiệp: Về phát triển nền kinh tế nông nghiệp cho Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vừa qua có sự tham gia của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng các diễn giả là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này.
Mở đầu, ông Lê Minh Hoan đánh giá nông nghiệp Nhật Bản hiện là nền nông nghiệp tiên phong trên thế giới về ứng dụng khoa học công nghệ , giống, sản xuất, chế biến, bảo quản... để tạo ra các sản phẩm vượt trội, giàu dinh dưỡng, có giá trị gia tăng cao.
Theo ông Hoan, Nhật Bản đã rất thành công trong phát triển nông nghiệp gắn với phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương, dựa trên sự tự lực và tính sáng tạo đã trở thành nguồn cảm hứng và hình mẫu được hơn 40 quốc gia trên thế giới áp dụng.
Do đó, hiện nay nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản đang đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi từ mô hình ưu tiên sản phẩm sang mô hình nông nghiệp định hướng thị trường.
TRONG "NGUY" LUÔN CÓ "CƠ"...
Với Việt Nam, Bộ trưởng Hoan nhìn nhận, hiện nay mặc dù có diện tích đất bình quân/đầu người thấp so với thế giới song ngành nông nghiệp vẫn là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và cứu cánh của nền kinh tế trong các giai đoạn khó khăn.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 63% dân số hiện sống ở khu vực nông thôn và 33% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là nhân tố quyết định cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo ra giá trị xuất khẩu ròng cho đất nước.
ĐBSCL đang dần mất đi những lợi thế, quá trình phát triển đang chậm lại, tụt hậu so với nhiều vùng khácBộ trưởng Lê Minh Hoan
Đề cập đến ĐBSCL, Bộ trưởng Hoan khẳng định đây là vùng có ý nghĩa địa kinh tế - địa chiến lược đặc biệt quan trọng khi chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước.
Cụ thể, trong gần 20 năm qua, nông nghiệp khu vực ĐBSCL đóng góp trung bình 34% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP nói chung của vùng. ĐBSCL là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây lớn nhất của Việt Nam.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp thẳng thắn: "Trong quá trình phát triển, ĐBSCL đang dần mất đi những lợi thế, quá trình phát triển đang chậm lại, tụt hậu so với nhiều vùng khác".
Lĩnh vực nông nghiệp của ĐBSCL vốn có nhiều lợi thế nhưng chưa phát triển hết tiềm năng. Sản xuất nông nghiệp trong khu vực đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do ảnh hưởng của sụt lún, sạt lở, ngập, xâm nhập mặn và biến đổi dòng chảy của sông Mê Kông.
"Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ. Tác động của biến đổi khi hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gia tăng... cũng mở ra cơ hội và tạo động lực để ngành nông nghiệp của ĐBSCL chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn", ông Hoan nói.
Theo Bộ trưởng, bản thân nước mặn và nước lợ cũng là một nguồn tài nguyên. Xâm nhập mặn không tạo thuận lợi cho phát triển ngành lúa gạo có giá trị thấp nhưng lại tạo ra tiềm năng cho nuôi tôm đang có thị trường lớn và giá trị cao. Ngoài ra các đặc sản khác như trái cây, vật nuôi chịu mặn cũng có cơ hội khác để phát triển tốt hơn.
Hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn khó tránh khỏi từ những vấn đề nội tại như quy mô sản xuất nhỏ lẻ lẫn các yếu tố khách quan như hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Hoan đề cập tới những nguy cơ an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu toàn cầu, sự xuất hiện của dịch bệnh mới và kéo dài như COVID-19, dịch tả lợn Châu Phi, biến động về giá do nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng trên thế giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại tọa đàm trực tuyến Kinh tế Nông nghiệp: Về phát triển nền kinh tế nông nghiệp cho ĐBSCL.
CẦN PHẢI THAY ĐỔI TƯ DUY PHÁT TRIỂN
Để đối phó với những thách thức này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy phát triển.
Theo đó, phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Qua đó, giảm chi phí đầu vào, tài nguyên, con người, tăng giá trị thu được; đặc biệt là giá trị đa tích hợp bao gồm cả giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan, môi trường.
"Khát vọng chúng ta cần hướng tới là xây dựng một cường quốc nông nghiệp sinh thái thay vì chỉ là một cường quốc lương thực. Khi đó Việt Nam sẽ là cường quốc về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của thế giới thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công, giá trị gia tăng thấp.", ông Hoan nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng Hoan, khi đó Việt Nam sẽ trở thành trung tâm logistics trong nông nghiệp cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Là trung tâm chế biến nông, lâm, thủy sản cho khu vực Đông Nam Á để tránh được những bất ổn của chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản toàn cầu. Đồng thời làm dịu bớt ảnh hưởng bất lợi của mất cân bằng cung - câu của thị trường nông, lâm, thủy sản trong ngắn hạn tới người nông dân cũng như người tiêu dùng.
Để thực hiện được khát vọng này, nhìn từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Hoan cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ đóng vai trò là động lực then chốt với phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
Khát vọng chúng ta cần hướng tới là xây dựng một cường quốc nông nghiệp sinh thái thay vì chỉ là một cường quốc lương thực.Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Qua đó, Bộ trưởng Nông nghiệp bày tỏ sự mong mỏi và đề nghị sự đồng hành, ủng hộ của các nhà khoa học, các trí thức trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tiếp thu các kiến thức từ "đất nước mặt trời mọc" và các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, ông Hoan cũng kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hỗ trợ hơn nữa việc kết nối, giao lưu, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt là sự đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, marketing và xuất khẩu nông sản.
Ông Hoan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho các hoạt động hướng về quê hương, đất nước từ nghiên cứu khoa học cho đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đề nghị Chính phủ hai nước ưu tiên tăng số lượng các nhà nghiên cứu, thực tập sinh Việt Nam hoạt động, học tập trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ sinh học tại Nhật Bản.
Cuối cùng, với cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp, ông Hoan hy vọng các nhà khoa học và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản với tài năng và tâm huyết, lòng đam mê và tình yêu tổ quốc sẽ có những cống hiến bằng nhiều cách khác nhau để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL chuyển mình, tạo các giá trị mới bằng những cách thức mới.
BizLive