MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về việc nông dân lên facebook, zalo bán hàng

24-09-2022 - 17:25 PM | Kinh tế số

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho biết: "Người nông dân biết lên facebook, zalo tự giới thiệu nông sản của người ta để bán hàng là tính chuyên nghiệp ban đầu của người nông dân".

TPO - Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho biết: "Người nông dân biết lên facebook, zalo tự giới thiệu nông sản của người ta để bán hàng là tính chuyên nghiệp ban đầu của người nông dân".

Chiều 23/9, tại Cần Thơ, diễn ra Hội thảo Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp?

Nền nông nghiệp đứng trước 3 cái "biến" lớn

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ về nền nông nghiệp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nền nông nghiệp mù mờ, nông nghiệp đánh đổi rất nhiều chi phí.

Theo ông Hoan, đánh đổi ở đây là đánh đổi bởi môi trường thiên nhiên, sức khỏe của nông dân, người tiêu dùng, đánh đổi hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học để tạo ra được sản lượng. Chúng ta chưa bao giờ khấu trừ những chi phí đánh đổi đó, chúng ta chỉ tính vật tư phân bón là bao nhiêu, nhân công là bao nhiêu, tiền thuê đất là bao nhiêu.

Nền nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm, cha ông làm sao mình làm vậy, hàng xóm làm sao mình làm vậy. Thật ra kinh nghiệm cũng là nhân tố tích cực bởi người càng có kinh nghiệm thì làm hiệu quả hơn. Nhưng kinh nghiệm chỉ phát huy trong một không gian hẹp, sự thay đổi chậm chạp. Cũng kinh nghiệm đó nhưng nhiều khi ứng dụng qua một không gian khác, đất đai khác thì không còn tác dụng nhiều.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về việc nông dân lên facebook, zalo bán hàng - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp chúng ta đứng trước ba cái "biến" lớn, đó là: Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh khó lường. Biến động thị trường, thị trường này mở ra thì thị trường khác khép lại. Biến chuyển xu thế tiêu dùng, tức người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, ăn sạch hơn, xu thế tiêu dùng xanh sẽ chi phối sản phẩm chúng ta, tiêu dùng xanh là những sản phẩm đó nó không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đa dạng sinh học.

Có thể bà con nông dân chúng ta chưa nhìn ra được câu chuyện đó, những quen thuộc sản xuất hàng ngày, cái bà con chúng ta sản xuất được là sản phẩm, nhưng để đến được thị trường, thị trường ngày càng khó tính thì chúng ta phải biến sản phẩm thành thương phẩm hay là nói cách khác là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp (có thể sản xuất giỏi nhưng không mang lại thu nhập cao) sang tư duy kinh tế nông nghiệp (có thể sản xuất lượng không lớn, nhưng mang lại giá trị lớn).

“Thành ra, quá trình trên không phải là quá trình kinh nghiệm có thể giải quyết được mà bà con nông dân phải được đào tạo, phải được huấn luyện. Chúng ta nói nông dân làm nông, hay nói nghề nông nhưng chưa bao giờ xem làm nông là một nghề. Bởi nếu là một nghề thì phải đi học, học để có tri thức và từ tri thức mới chuyển thành chuyên nghiệp” – Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ một loại nông sản nhưng khi chuyên nghiệp biết cách bán giá cao hơn, thu lợi nhuận cao hơn, nghĩa là thu nhập không chỉ dựa vào sản lượng mà dựa vào kiến thức thị trường, kỹ năng kinh doanh nông sản, bằng sự hợp tác của người nông dân lại trong một không gian rộng hơn không gian gia đình.

Do đó, không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp, mà không có nông dân chuyên nghiệp thì không có ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, không có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

Thế giới đã tiến tới mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa ngày càng cao mà chúng ta không chuyên nghiệp, không chuyên môn hóa trong từng quy trình sản xuất thì không cạnh tranh được, hoặc cạnh tranh được thì mang tính chất mùa vụ chứ không bền vững.

“Thật ra có một bộ phận chuyên nghiệp rồi và tôi quan sát thấy trong lúc rủi ro thị trường nhất thì những sản phẩm từ người nông dân chuyên nghiệp ít rủi ro, bởi vì người ta biết cách thích ứng với sự thay đổi. Người nông dân biết lên facebook, zalo tự giới thiệu nông sản của người ta để bán hàng, đó cũng là tính chuyên nghiệp ban đầu của người nông dân” – ông Hoan nói.

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng lưu ý, đừng quá kỳ vọng cùng lúc hơn 10 triệu nông dân Việt Nam trở thành chuyên nghiệp, bởi chuyên nghiệp không có điểm dừng, tri thức cũng không có điểm dừng. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng chúng ta nâng tính chuyên nghiệp bằng cách chia sẻ tri thức cho người nông dân, có thể bắt đầu từ việc nhỏ, từ bán hàng, cách làm giống, cách thu hoạch… dần dần đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức vào cho người nông dân.

“Câu chuyện nông dân chuyên nghiệp không phải là câu chuyện của nhà nước mà của tất cả của chúng ta. Dĩ nhiên, trách nhiệm đầu tiên dẫn dắt câu chuyện này là của Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, cơ quan khác. Do đó, tôi mong muốn được tiếp cận nhiều ý kiến, sáng kiến của tất cả các thành phần xã hội để Bộ ra được một chương trình khung, từ chương trình khung đó để các thành phần xã hội cùng tham gia” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An:

Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, những năm qua nền nông nghiệp đạt được những kết quả khá khả quan, nhưng giá trị của nền nông nghiệp đem lại không tương xứng với tiềm năng sẵn có của đất nước. Tính ổn định và tính bền vững trong phát triển nông nghiệp vẫn rất thấp; thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vẫn rất hạn chế và mờ nhạt.

Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng giá trị ngành hàng lúa gạo hàng năm đem lại cho nông dân và đất nước rất thấp.

Rau củ quả nhiệt đới của Việt Nam nhiều sản phẩm cũng là hàng hiếm và là mơ ước của nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng năm so với một số nước trong khu vực cũng rất thấp, lý do chính vẫn là sản phẩm không đạt yêu cầu của nước nhập khẩu... Những hạn chế này có một nguyên nhân rất cơ bản đó là tính chuyên nghiệp trong làm nông chưa cao của Việt Nam.

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên