MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Đặc khu không dùng cơ chế lãnh đạo tập thể"

Dù đã có thêm phương án mới cho tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu, vấn đề này vẫn chưa được thống nhất cao...

Cần hoàn thiện, bổ sung quy định tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu cho chặt chẽ hơn để đảm bảo trách nhiệm người đứng đầu chứ không dùng cơ chế lãnh đạo tập thể như hiện nay.

Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sáng 11/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Băn khoăn về tính hợp Hiến

Tại đây, dù đã có thêm phương án mới cho tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu (ngoài hai phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư), vấn đề này vẫn chưa được thống nhất cao.

Phương án được Chính phủ chọn là không tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tại đặc khu mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - Nguyễn Khắc Định cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban băn khoăn về tính hợp Hiến của phương án này. Đây cũng là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia.

Các ý kiến này cho rằng, vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp năm 2013 đã được Hội nghị Trung ương 11 (khóa XI) thảo luận kỹ và có kết luận cụ thể. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó quy định cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính, bao gồm cả ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Phương án trên, do vậy, không thống nhất với kết luận của Hội nghị Trung ương 11 về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp.

Thường trực Uỷ ban thẩm tra đề xuất thiết kế phương án chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng đặc khu và ủy ban đặc khu, được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đặc khu cho chủ tịch ủy ban đặc khu.

Phương án mới này nhận được sự đồng tình của một số uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến khác nghiêng về phương án này nhưng còn băn khoăn.

Đồng tình với phương án mới vì có căn cứ trong Hiến pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói "đã nói Hiến pháp thì không có độ mở vì đó là xương sống thì phải có độ cứng và ta phải xoay quanh đó".

Tuy nhiên, một số vị ủng hộ phương án của Chính phủ và nhận xét phương án mới không có gì đột phá.

Nên tập trung vào phương án 1 vì băn khoăn sau cùng chỉ là vấn đề kiểm soát quyền lực, cần tổ chức thế nào để đảm bảo việc này là được, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nói.

Việt Nam đang tụt hậu rất xa

Thay mặt ban soạn thảo giải trình cuối phiên thảo luận, nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói trên thực tế Việt Nam đang tụt hậu rất xa và bỏ qua nhiều cơ hội phát triển. Trong khi quốc tế liên tục tạo dựng thể chế tao động lực tranh thủ cơ hội phát triển nhanh và thu nhập bình quân cao hơn Việt Nam rất nhiều.

So sánh trong khu vực thì Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia, nếu không đột phá thì lại tụt hậu nên cần mạnh dạn hơn quyết tâm hơn, Bộ trưởng phát biểu.

Liên quan đến vấn đề đã và đang gây tranh cãi là phương án Chính phủ trình có trái Hiến pháp hay không, ông Dũng quả quyết đã nghiên cứu kỹ và khẳng định không trái. Đây không phải là cấp chính quyền mà là thiết chế về chính quyền nên có thể có trưởng đặc khu, Bộ trưởng Dũng lập luận.

Dẫn nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Bộ trưởng Dũng nói các nghị quyết đều tiếp cận theo hướng nghiên cứu để mở ra và thử nghiệm mô hình vượt trội, vì thế phương án Chính phủ trình là phù hợp.

Về các chính sách cho đặc khu, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng phải tiếp cận theo hướng nhà đầu tư cần gì chứ không phải cho những gì ta có, bởi cái mình cho người ta không cần thì thành công không cao.

Theo Bộ trưởng nhà đầu tư cần ba việc: địa điểm thuận lợi, thể chế cạnh tranh, tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả, giảm được chi phí tuân thủ.

Vậy trong quá rình hội nhập Việt Nam có chấp nhận cạnh tranh không, Trung Quốc thành công đến thế mà người ta vẫn liên tục tạo cơ chế cạnh tranh, điển hình Khu kinh tế Tiền Hải là khu tự do trong khu tự do, cần tiếp cận mô hình tốt nhất chứ nếu người ta quyết liệt như vậy mà mình đứng sang một bên thì không tranh thủ được hết cơ hội, Bộ trưởng nói.

Ông khẳng định rằng, mô hình trưởng đặc khu đã áp dụng nhiều nước và không có vấn đề gì.

Khẳng định phương án Chính phủ trình đảm bảo tinh gọn và giảm chi phí tuân thủ, thể hiện trách nhiệm người đứng đầu, Bộ truởng cũng đề cập băn khoăn của nhiều ý kiến nếu chọn phương án 1 thì lo ngại chính là giám sát quyền lực.

Ông Dũng cho biết, khi chỉnh lý dự án luật ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra dự kiến bổ sung một số cơ chế giám sát như thành lập hội đồng làm chức năng tư vấn phản biện cho ý kiến về những vấn đề quan trọng. Thiết lập cơ chế đối thoại với trưởng đặc khu, ngoài ra vẫn có hội đồng nhân dân cấp tỉnh giám sát.

Bộ trưởng cho biết sẽ không bỏ qua giám sát của hội đồng, hội đồng nhân dân tỉnh có thể cử một ban chuyên trách để giám sát riêng về đặc khu này.

Với những cơ chế này đã tương đối giám sát được, nhưng cần hoàn thiện bổ sung cho chặt chẽ hơn để đảm bảo trách niệm người đứng đầu chứ không dùng cơ chế lãnh đạo tập thể như hiện nay, ông nói.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên