Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Các cơ quan nhà nước phát triển ứng dụng riêng thì thuê dịch vụ các doanh nghiệp công nghệ số thay vì đầu tư
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng của chuyển đổi số: một là thể chế số, hai là hạ tầng số, ba là nhân lực số, bốn là dữ liệu số, năm là doanh nghiệp số.
Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng của chuyển đổi số: một là thể chế số, hai là hạ tầng số, ba là nhân lực số, bốn là dữ liệu số, năm là doanh nghiệp số.
1. Thể chế số quan trọng nhất là phù hợp với môi trường số. Thể chế số cũng cần sự đồng bộ phải đi trước.
2. Hạ tầng số quan trọng là phủ rộng, không vùng lõm, tốc độ cao và an toàn. Đặc biệt Nhà nước, Trung ương tạo ra hạ tầng chuyển đổi số cấp riêng thành các hạ tầng dùng chung cho toàn quốc, cho các bộ, ngành địa phương như hạ tầng phần cứng, hạ tầng phần mềm, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng an toàn an ninh mạng. Các cơ quan nhà nước phát triển ứng dụng riêng thì thuê dịch vụ các doanh nghiệp công nghệ số thay vì đầu tư.
3. Nhân lực số thì đầu tiên là nhận thức số của lãnh đạo các cấp, sau đó là đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, cho người dân thông qua các nền tảng đào tạo số trực tuyến.
4. Dữ liệu số quan trọng nhất là số hóa toàn bộ, kết nối chia sẻ. Hoạt động của cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước của doanh nghiệp, của người dân được ghi nhận trên môi trường số. Vì nếu không có dữ liệu thì không có đầu vào của chuyển đổi số, và không có đầu vào thì không có đầu ra.
5. Về doanh nghiệp số, nếu doanh nghiệp không năng động, không giỏi, không linh hoạt, không thích ứng nhanh thì sẽ không chuyển đổi số được.
Bộ trưởng cũng đưa ra một số bài học về chuyển đổi số:
Thứ nhất, làm thí điểm trước, làm cho đến nơi cho đến thành công, rồi phát huy ra cả ngành, cả tỉnh, cả nước.
Thứ hai, dùng nền tảng số, đầu tư một nơi phần cứng một nơi, phần mềm một nơi khai thác một nơi nhưng sử dụng là mọi người trên toàn quốc.
Thứ ba là ứng dụng chi tiết, cái gì mới dùng được, công nghệ chưa dùng bao giờ thì ban đầu cần hướng dẫn, giống như là cầm tay chỉ việc.
Thứ tư là hợp tác chiến lược với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước phải đi với nhau một chặng đường dài, là đối tác chiến lược của nhau, doanh nghiệp cam kết nguồn nhân lực dành riêng cho dự án chuyển đổi số.
Thứ năm là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng. Công thức thành công ngắn gọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo, thì tích cực sử dụng... Ví dụ Bộ Công an thì có công thức là đúng, đủ, sạch, sống khi làm cơ sở dữ liệu dân cư.
Chuyển đổi số toàn dân là đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng…
Hiện nay, Bộ TT&TT đang trình Thủ tướng Chính phủ ra một chỉ thị về những đột phá chuyển đổi số các ngành, các cấp. Chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện nên cần có bước đột phá. Chuyển đổi số sẽ không thành công nếu người đứng đầu các cấp không trực tiếp làm ít nhất một dự án chuyển đổi số có tính nền tảng.
"Chuyển đổi số là một công việc mới mẻ với người đứng đầu các cấp nên phải trực tiếp làm, đi qua một số đề án cụ thể có đột phá để từ đó chỉ đạo thúc đẩy nhanh chuyển đổi số cơ quan mình. Chỉ có như vậy mới thành công" - Bộ trưởng nhấn mạnh.