MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%

“Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế”, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sáng ngày 13/2/2020, tại buổi Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mới đây Thường trực Chính phủ đã nói về việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể không đạt mục tiêu do ảnh hưởng của dịch cúm gây ra bởi virus Covid-19. Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng, điều đó đồng nghĩa với việc phải có những giải pháp vô cùng mạnh mẽ.

Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đây cũng là dịp để thúc đẩy các quyết sách, chủ trương mà Việt Nam vẫn còn đang lưỡng lự, để từ đó tạo ra đà tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam. Thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, Bộ đã đưa ra kiến nghị mốc thời gian thí điểm Mobile Money là trong quý I/2020.

“Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”, theo Bộ trưởng.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 02 để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. 

Được biết, Nghị quyết 02 của Chính phủ đã xác định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung trọng tâm cải cách để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Nghị quyết 02 cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.

Dịch vụ Mobile Money bao gồm việc chuyển tiền và thực hiện, nhận thanh toán sử dụng điện thoại di động. Mobile Money phải cung cấp một mạng lưới các điểm giao dịch vật lý (không bao gồm chi nhánh ngân hàng và ATM) giúp mọi người tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng. Mobile Money dành cho phân khúc không sử dụng ngân hàng, ví dụ như những người không tiếp cận với một tài khoản chính thức tại một tổ chức tài chính. Do đó, Mobile Money về bản chất là E-Money hay ví điện tử nhưng không cần liên kết tài khoản ngân hàng.

Về thị trường Mobile Money triển khai trên thế giới từ năm 2018, hiện có 272 dự án tại 90 quốc gia, với 866 triệu tài khoản đăng ký mới, tăng 20% kể từ năm 2017. 62 dự án Mobile Money có hơn 1 triệu tài khoản được kích hoạt trong 90 ngày. Số giao dịch qua Mobile Money xử lý hàng ngày lên đến 1,3 tỷ USD.

Hoàng An

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên