MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viettel hãy lập kế hoạch phủ sóng 5G toàn quốc ngay trong năm 2024

18-01-2024 - 07:10 AM | Kinh tế số

Bộ trưởng cho rằng, Viettel phải làm trước thì các nhà mạng khác mới đi theo. Trước kia, các nhà mạng đi trước Viettel nhưng chỉ có 700-800 trạm phát sóng thì Viettel ngay từ đầu đã làm 4.000 trạm phát sóng, tạo nên sự bùng nổ di dộng của Việt Nam. Nhưng Viettel không khiến các nhà mạng Vinaphone, Mobifone nhỏ đi, không ai lỗ, mà đều lớn lên cả, vì miếng bánh to hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viettel hãy lập kế hoạch phủ sóng 5G toàn quốc ngay trong năm 2024 - Ảnh 1.

Ngày 12/1 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã tổ chức Hội nghị Quân chính năm 2023. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về triển khai 5G và cách kinh doanh 5G:

"Năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc. Nếu 4 năm trước đây mà triển khai 5G thì thiết bị rất đắt, có làm thì cũng chỉ nên phủ sóng 20-30% dân số, phủ sóng ở các thành phố. Nhưng nay, sau 4 năm, giá thiết bị giảm chỉ còn 1/4, vậy nên, vẫn với số tiền ấy, chúng ta có thể phủ sóng 100%. Vậy, chúng ta hãy lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024, hãy sử dụng 5G SA ngay, không cần phải đi qua giai đoạn trung gian 4,5G (5G NSA).

Một nhà mạng muốn phát triển bền vững thì mỗi năm phải đầu tư 15-20% doanh thu cho mạng lưới, với Viettel thì mỗi năm phải đầu tư xung quanh 15.000 tỷ đồng cho mạng lưới. Một số nhà mạng Việt Nam những năm gần đây đầu tư ít nên chất lượng mạng lưới chưa thật tốt.

Chất lượng di động 4G của các nhà mạng Việt Nam là không cao: Tốc độ tối thiểu chỉ đạt 10-15Mbps (cao là phải 30Mbps), tốc độ trung bình chỉ đạt 30-40 Mbps (cao thì phải trên 50Mbps), xếp hạng Việt Nam là 55-60/140 nước. Đây chưa phải mức cao của thế giới, chưa đạt mục tiêu hạ tầng đi trước một bước để phát triển đất nước. Viettel sắp tới làm 5G thì phải đặt mục tiêu tốc độ tối thiểu 100Mpbs và trung bình trên 300Mbps.

Một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu vào trong nhà, tốc độ cao thì cứ mỗi 1.000 dân là có một trạm phát sóng. Mạng di động của Viettel thì 2.000 dân mới có 1 trạm phát sóng. 50.000 vị trí phát sóng của Viettel là chưa đảm bảo chất lượng cho di động, nhất là 5G. Tăng thêm 40-50.000 vị trí phát sóng mới sẽ là một thách thức lớn cho Viettel. Nhất là có dám tin, đầu tư lớn như vậy nhưng lợi nhuận không những không giảm mà còn lớn hơn. Có niềm tin này, có cơ sở lý luận cho niềm tin này thì mới dám làm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viettel hãy lập kế hoạch phủ sóng 5G toàn quốc ngay trong năm 2024 - Ảnh 2.

Viettel phải làm trước thì các nhà mạng khác mới đi theo  . Cũng giống như gần 20 năm về trước, khi các nhà mạng khác đi trước Viettel 10 năm mà chỉ có 7-800 trạm phát sóng, thì Viettel ngay từ những năm đầu tiên đã triển khai ngay 4.000 trạm phát sóng, lớn hơn 4-5 lần các nhà mạng đi trước, và vì vậy đã tạo ra sự bùng nổ di động của Việt Nam, chỉ sau 4 năm, mật độ di động của Vietnam tăng từ 4% lên 100%, và Viettel thì trở thành số 1. Các nhà mạng Vinaphone, Mobifone thì cũng không ai nhỏ đi, không ai lỗ, mà đều lớn lên cả, vì miếng bánh to hơn. Và điều quan trọng hơn cả là đất nước, người dân được nhờ. Xếp hạng hạ tầng di động thì có lúc đã vào top 30.

Kinh doanh 2/3/4G thì chủ yếu là B2C, cung cấp dịch vụ cho người dân. Là kinh doanh những dịch vụ mà người dân đã biết là thoại, nhắn tin và data. Nhà mạng không phải đầu tư nhiều để nghiên cứu phát triển (NCPT) các dịch vụ mới. Nhưng 5G thì B2B sẽ là chính. Nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để bán cho doanh nghiệp, để CĐS các doanh nghiệp, các ngành.

Chủ đề năm 2024 của Bộ là: Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển chuyển đổi số, kinh tế số rất chậm.

Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Nhà mạng China Mobile của Trung Quốc một năm chi tới 4 tỷ $, khoảng 3-4% doanh thu (các nhà mạng Việt Nam thì đang ở mức 0,1%) để phát triển các ứng dụng, các Use Case, cho các ngành, nhất là các ngành công nghiệp. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%. Thị trường các ứng dụng 5G toàn cầu sẽ đạt 670 tỷ $ vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới trên 50% so với năm 2020, trung bình mỗi năm tăng 10%. Đây là không gian mới quan trọng của nhà mạng.

Chúng ta cũng phải chú ý, không có 5G thì không có tăng trưởng 10% mỗi năm , nhưng tăng trưởng 10% thì không chỉ là 5G mà là một hệ sinh thái ứng dụng 5G.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viettel hãy lập kế hoạch phủ sóng 5G toàn quốc ngay trong năm 2024 - Ảnh 3.

Viettel hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Viettel từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp.

Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành. Viettel làm 5G và các ứng dụng số công nghiệp 5G cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia.

5G cũng sẽ thúc đẩy IoT. Nếu phát triển tốt thì đến 2025, Việt Nam phải có 100 triệu thuê bao IoT, đến 2030 thì ít nhất là 200 triệu. Không phát triển được thuê bao di động thì hãy tập trung phát triển thuê bao IoT, không gian ở đây là 200 triệu thuê bao mới và lớn hơn. Nhưng không phải tự nhiên mà có được các thuê bao này, Viettel phải phát triển các ứng dụng làm bùng nổ IoT."

Theo Hà My

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên