MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

17-06-2021 - 10:30 AM | Bất động sản

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ duy trì hội nghị giao ban tháng để trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, theo dõi, nắm bắt tình hình mới phát sinh của ngành để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý…

Hội nghị giao ban tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 5/2021 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021 của Bộ Xây dựng vừa diễn ra ngày 15/6 đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tồn tại, và đưa ra giải pháp, phương hướng phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong quý 2/2021.

ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc với Bộ Xây dựng, thể hiện sự sát sao, quyết liệt và kỳ vọng của Thủ tướng đối với Bộ Xây dựng. Thủ tướng cơ bản đồng tình về 10 nhóm giải pháp do Bộ đưa ra. Trọng tâm là nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp phân quyền phù hợp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhưng đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thể chế, chính sách.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Xây dựng phải có tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề theo tình hình thực tiễn mới, huy động nguồn lực, phát huy thế mạnh của Ngành để phát triển nhanh, bền vững.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ…, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã và đang nỗ lực triển khai tốt nhiều nhiệm vụ. Trong đó, đã nghiên cứu đề xuất, xây dựng các chính sách phát triển nhà ở; Tổng kết thi hành Luật đất đai 2013; Lập các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các địa phương; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư theo hướng chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, kém hiệu quả; Khẩn trương rà soát, ban hành Chương trình hành động của Bộ Xây dựng.

Bộ cũng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng Chính phủ điện tử như: hoàn thiện phần mềm quản lý điều hành, quản lý quy trình điện tử, đảm bảo đủ điều kiện triển khai quản lý quy trình trình ký văn bản trên hệ thống thông tin điều hành của Bộ ngay trong tháng 6/2021 nhằm chuẩn bị cho việc xử lý hồ sơ điện tử.

Với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ đang tiến hành rà soát, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong quý 2/2021; Nghiên cứu, xây dựng đề cương Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2040 thay thế Quyết định số 2127/QĐ-CP ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Hoàn thiện Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ trên cơ sở tổng hợp, báo cáo đề xuất các Bộ, ngành, địa phương.

CHỦ ĐỘNG BÁM SÁT DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: “Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường này phát triển một cách ổn định và bền vững".

Theo Bộ trưởng, phải thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; sắp tới là tổng hợp thông tin biến động thị trường bất động sản quý 2/2021”.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là vật liệu xây dựng, tác động đến đầu vào của các ngành sản xuất khác và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, Bộ trưởng cũng yêu cầu các bộ phận chức năng như: Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng, Vụ Vật liệu Xây dựng, cần theo dõi, bám sát giá vật liệu xây dựng. Đặc biệt là giá thép xây dựng, để từ đó, kịp thời đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn.

Về công tác quy hoạch xây dựng, lãnh đạo Bộ lưu ý các đơn vị liên quan cần phải có tầm nhìn dài hạn, bài bản, khắc phục chất lượng và tiến độ lập quy hoạch xây dựng; Tiếp tục nghiên cứu thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2040; Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060... Bên cạnh đó, cần chủ động bố trí nguồn lực thẩm định đồ án quy hoạch theo hình thức họp trực tuyến, tháo gỡ khó khăn cho địa phương; Nghiên cứu sửa đổi Luật quản lý phát triển đô thị gắn với quy hoạch nông thôn…

Bộ  trưởng cũng lưu ý trong tháng 6 là phải rà soát, xây dựng đề án tái cơ cấu Tổng công ty HUD và Vicem giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục hoàn thiện công tác cổ phần hóa HUD và Vicem trên nguyên tắc phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đúng phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; bảo toàn vốn nhà nước, không để thất thoát tài sản, vốn nhà nước; theo dõi sát tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để chỉ đạo kịp thời…

Theo Phan Dương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên