MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng biển 100.000 tấn ở Sóc Trăng

Trước sự quan tâm của các đại biểu với hệ thống giao thông vận tải ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đang chuẩn bị trình chính phủ quy hoạch cảng biển Trần Đề ở Sóc Trăng với khả năng đáp ứng tàu có trọng tải 100.000 tấn.

Xây cảng để phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long

"ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP.HCM vì ở đây mới có tàu lớn vận chuyển hàng hóa. ĐBSCL có 21 cảng nhưng cảng lớn nhất là Cái Cui chỉ phục vụ được tàu tới 20.000 tấn. Bất cập là luồng vào chỉ đảm bảo tàu 10 nghìn tấn đầy tải", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Giao thông cho rằng, để phát triển khu vực này, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu. "Trong kế hoạch, Bộ GTVT chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100 nghìn tấn vào khai thác", ông Thể nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về dự án này, Bộ trưởng Thể cho biết nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10km rồi mới làm cảng. Tại khu vực này, nước sâu khoảng 15 - 16 m nên không phải nạo vét luồng. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này. Khi có cảng, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá.

"Ngoài ra, quy hoạch cũng đề cập đến xây dựng cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, đưa hàng hoá ra nước ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng dự án này rất khả thi, mong các đại biểu ủng hộ", ông Thể nói.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông an toàn mới được vận hành

Trước những câu hỏi của các đại biểu về việc đường sắt Cát Linh – Hà Đông nhiều lần lỡ kế hoạch, Tư lệnh ngành Giao thông cho biết bản thân ông cũng mong dự án này đi vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, do đây là dự án đầu tiên của quốc gia, liên quan đến sinh mệnh người dân, nên phải nghiệm thu các thiết bị linh kiện để đảm bảo an toàn. Cơ quan tư vấn đang cùng với Bộ đang đào tạo 800 người để vận hành tuyến đường này.

"Hiện dự án đang vận hành thử không tải. Khi các cán bộ phải thuần thục mới đưa vào khai thác thương mại được. Bộ GTVT quyết tâm cùng với Hà Nội và các cơ quan chức năng kết thúc nghiệm thu mới đưa vào vận hành thương mại. Đây là dự án đường sắt đầu tiên, nếu dự án này có vấn đề sẽ gây khó khăn cho các dự án khác. Chính vì thế, các bên đều đang cố gắng tối đa", ông Thể nói.

Việc dự án Cát Linh – Hà Đông tăng vốn, đội vốn cũng được Bộ trưởng Thể nhắc đến và cho biết sắp tới, các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thậm chí là Cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc làm rõ những con số liên quan đến dự án, làm sáng tỏ số tiền đội vốn, phát sinh là đúng hay sai. "Đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Thể nhấn mạnh.

Với các dự án đường sắt, Bộ trưởng Thể cũng thừa nhận tư vấn trong nước và Ban QLDA có hạn chế, tổng thầu cũng có vấn đề. "Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, khi ký hiệp định vay vốn, Trung Quốc chỉ định tổng thầu. Không phải chúng ta thi tuyển, chọn. Qua thực hiện, chúng tôi thấy rằng tổng thầu xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành đường sắt còn thiếu kinh nghiệm. Thi công đường sắt với vận hành khác nhau. Chúng tôi đánh giá tổng thầu còn thiếu kinh nghiệm", ông Thể nói.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên