Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ông nào không nên ngồi thì nhường người khác vào
Bộ trưởng TN&MT chia sẻ với báo chí về đề xuất ông phát biểu trước QH "Bộ trưởng nhường ghế QH cho ĐB chuyên trách".
Không chỉ nghĩ tinh giản bộ máy
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, muốn tăng ĐB hoạt động chuyên trách thì phải có cơ chế thu hút người có năng lực, nếu không, chẳng ai muốn về QH cả, bởi cơ chế bên QH hiện nay chưa hấp dẫn, trong khi cơ chế bên Chính phủ hấp dẫn hơn.
2 cách để tăng cường ĐB hoạt động chuyên trách, một là tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, hai là tăng cường năng lực của ĐB kiêm nhiệm.
Tuy nhiên ông cho rằng, cả 2 cách đều khó và chỉ còn cách trong số các ĐBQH “có ông nào không nên ngồi thì nên ra để ông khác vào”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phải có cơ chế thu hút người có năng lực
Như hiện nay cơ chế chính sách chưa hấp dẫn để thu hút người về QH, trong khi số lượng ĐB chuyên trách lại không được tăng. Vì vậy muốn tăng chuyên trách thì phải giảm đi một số lượng ĐB nào đấy.
"Như tôi là Bộ trưởng không nhất thiết là ĐBQH mà vẫn có thể đảm đương trách nhiệm thuộc thẩm quyền từ trước đến nay”, Bộ trưởng nói.
Ông Hà cũng ủng hộ việc Bộ trưởng về hưu, có trình độ, thì quay về làm ĐB chuyên trách và cho rằng phương án đó rất tốt.
Nói về tính khả thi của đề xuất tăng số ĐB chuyên trách lên 60% mà ông phát biểu, Bộ trưởng TN&MT cho rằng, đừng lấy con số giới hạn bởi công chức viên chức.
ĐBQH có thể là nhà khoa học, người về hưu. Mỗi ĐB có thể sử dụng cơ chế có các chuyên gia tư vấn, lúc cần tham vấn việc gì thì hoàn toàn có thể sử dụng đội ngũ các chuyên gia, những người về hưu.
“Một ĐBQH có thể làm với 10-15 các chuyên gia, lĩnh vực này chuyên gia này, lĩnh vực khác chuyên gia khác, ĐB nào am hiểu lĩnh vực nào thì sẽ tập trung vào lĩnh vực đó”, tư lệnh ngành TN&MT nói.
Theo ông, nếu làm được như vậy QH hoàn toàn có thể sử dụng các lực lượng của các viện nghiên cứu.
Ông cũng lưu ý, nếu thực sự cần thì cũng không nên vì mục tiêu giảm, tinh gọn bộ máy mà lại giảm lĩnh vực chúng ta cần...
“Vấn đề là dựa vào công việc, các vị trí chức danh nhiệm vụ để xác định các nhiệm vụ đặt ra về tổ chức, con người chứ không phải chỉ nghĩ 1 chuyện tinh giản bộ máy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tôi sang QH, lương tụt dù tăng chức
Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng ủng hộ việc tăng tỷ lệ ĐB chuyên trách; đồng thời giao quyền, chức năng rồi điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt lên để ĐB toàn tâm toàn ý.
“Cơ quan hành pháp mà có biểu hiện không tốt trong cuộc sống thì không nặng nề bằng cơ quan lập pháp. Anh xây dựng pháp luật mà mang tư tưởng cá nhân thì không chỉ hại một vài người mà hại cho tất cả các đối tượng”, ông Lợi lưu ý.
Theo ông, nếu không có cách đối xử tốt thì không ai muốn vào QH cả.
Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi |
“Khi tôi sang QH là lương tụt mặc dù tăng chức”, ông Bùi Sỹ Lợi kể.
ĐB tỉnh Thanh Hóa cho rằng, không cần 500 ĐB, 400 cũng được nhưng tăng số lượng ĐB chuyên trách lên, để họ chuyên tâm làm công tác lập pháp một cách độc lập, không bị chi phối.
Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, không phải ai kiêm nhiệm cũng tốt
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng ủng hộ tăng ĐB chuyên trách lên 50% càng tốt. Nhưng ngay trong số ĐB kiêm nhiệm cũng phải tính, ai kiêm nhiệm thì tốt, ai vào thì thích hợp và tăng sức mạnh cho ĐBQH.
“Có những người kiêm nhiệm không phù hợp. Ví dụ Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, không phải ai kiêm nhiệm cũng tốt. Có những người anh đưa vào có khi còn làm QH yếu đi vì 5 năm trời không làm được bao nhiêu, thời gian cũng ít, nói năng cũng ít, tác động đóng góp cũng ít. Đoàn ĐB có 7-8 người mà có 2-3 người không nói gì không làm gì thì coi như đoàn ĐB đó yếu hẳn”, ĐB Nghĩa phân tích.
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
Ông đề nghị những ai có thể đóng góp tốt cho QH mới nên cơ cấu vào kiêm nhiệm. Tất nhiên do cử tri bầu nhưng khi định hướng cũng phải tính.
“Không phải cứ cơ cấu đồng đều hết giống như Mặt trận. QH phải lựa chọn những ĐB có năng lực, có điều kiện để làm nhiệm vụ dân cử”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa nêu thực tế, đã là ĐB kiêm nhiệm, thiết kế không khéo thì phải có nể nang, ai cũng thế.
“Giả sử tôi là chủ tịch tỉnh, tôi có bức xúc một số vấn đề của bộ này bộ kia, tôi lên cứ chất vấn phê phán bộ đó. Đây là 1 thực tế không chỉ ở nước ta, nước khác cũng có chuyện đó. Nên khi cơ cấu mình phải tránh giúp ĐB không bị xung đột lợi ích. Khi 1 bộ trưởng đồng thời là ĐB dân cử, trong người ông đã có xung đột lợi ích”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng ủng hộ việc cần có cơ chế để hoạt động của ĐBQH chất lượng hơn.
“Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh có quân tướng rất đông, ĐB thì không có. Thư ký là giúp việc, ĐB không thể nhờ linh tinh vì thư ký có trách nhiệm bảo mật. Rồi làm sao có cơ chế để bộ máy thường trực của QH cũng có nhiệm vụ giúp ĐB khi có yêu cầu”, ĐB TP.HCM đề nghị.
Vietnamnet