Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì về năm đầu tiên đảm nhiệm trọng trách
Năm 2016, đất nước đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm và nhiều giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, kinh tế-xã hội trong đó có lĩnh vực công thương đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Trao đổi bên lề Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đánh giá những kết quả đạt được trong lĩnh vực công thương năm 2016 và kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.
- Xin Bộ trưởng đánh giá những thành công đã đạt được của ngành công thương trong năm 2016?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong năm 2016, ngành công thương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện hàng loạt Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ để tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và các lực lượng sản xuất, phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 2016, ngành công thương đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP và thực hiện các mục tiêu vĩ mô của đất nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 dự kiến đạt 8,6% trong bối cảnh diễn ra sự suy giảm và mất cân bằng của thị trường thế giới, và nhiều nước đã có mức tăng trưởng âm.
Tốc độ tăng trưởng của thương mại và dịch vụ nội địa năm đạt được mức 10,7% so với mức 9,5% của năm 2015. Sản xuất công nghiệp cũng đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành động lực rất quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.
Trong năm 2016, tuy mới tái cơ cấu bước đầu nhưng ngành công thương đã nhận diện ra bất cập, tồn tại về năng lực thể chế, bộ máy của ngành; những hạn chế trong thủ tục hành chính ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp; những khuyết điểm trong công tác cán bộ...
Hiện Bộ Công Thương đang đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính tổng thể, tái cơ cấu bộ máy hành chính cho gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Đồng thời thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện thể chế, tạo dựng môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trong xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.
Thành công tiếp theo là những kết quả đạt được trong hợp tác quốc tế như Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) chính thức có hiệu lực...
Những kết quả đó đã đưa Việt Nam vào nhóm những nước dẫn đầu về mức độ tham gia sâu rộng trong toàn cầu hóa thông qua các khuôn khổ hội nhập song phương và đa phương.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các ngành hàng của Việt Nam tiếp cận với các thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới kỹ thuật công nghệ, mô hình sản xuất.
- Bên cạnh những thành công thì báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực công thương, đặc biệt là liên quan đến những dự án nghìn tỷ nhưng hoạt động kém hiệu quả hoặc đang thua lỗ. Bộ trưởng có thể cho biết Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Liên quan đến nội dung này sẽ có rất nhiều vấn đề được đặt ra cho cả hệ thống chính trị chứ không chỉ Bộ Công Thương.
Nhưng vấn đề cấp bách trước tiên là cần có giải pháp, hành động quyết liệt để tránh lãng phí, thất thoát hơn nữa các nguồn đầu tư của nhà nước cho những dự án này vì đã đầu tư dàn trải nhiều năm, hiện tại hiệu quả kinh tế-xã hội không còn như quy hoạch ban đầu và còn có nguy cơ mất mát thêm tài sản nhà nước, xã hội.
Do đó phải tìm giải pháp đồng bộ, phù hợp để thu hồi tài sản về cho nhà nước, bên cạnh đó làm rõ và xử lý những sai phạm, vi phạm của cá nhân, tập thể liên quan đến những dự án này.
Từ những dự án thua lỗ này thì điều quan trọng nhất là phải rút ra những kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý liên quan đến công tác quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp nhà nước, quy trình quản lý đầu tư, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch về kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Vietnam+