Bộ TT&TT: "Các văn bản pháp luật do Bộ TT&TT soạn thảo ban hành sẽ tham vấn doanh nghiệp"
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đã ra quy chế trong tất cả các văn bản pháp luật do Bộ soạn thảo ban hành đều sẽ tham vấn ý kiến của doanh nghiệp.
- 25-11-2018Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Muốn thay đổi, phải bắt đầu từ người đứng đầu
- 06-11-2018Bộ TT&TT: Việt Nam phải trở thành cường quốc về an ninh mạng
- 23-10-2018Thủ tướng đồng ý cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia
Ngày 13/2/2019, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2019. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị, tham dự có các Thứ trưởng, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ, đại diện các Sở TT&TT trên cả nước và đại diện các doanh nghiệp viễn thông, CNTT.
Phát biểu tại hội nghị này, đại diện cho các doanh nghiệp nội dung số, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp kiến nghị: Khi Bộ dự thảo xây dựng các văn bản pháp luật, nên mời các doanh nghiệp trong ngành và những doanh nghiệp có liên quan để doanh nghiệp được cùng tham gia góp ý kiến. Bộ cũng nên thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, chẳng hạn trong lĩnh vực nội dung số hay an ninh mạng có sự tham gia của các doanh nghiệp cốt lõi và các doanh nghiệp khác trong từng lĩnh vực để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề doanh nghiệp đang vướng mắc, khó khăn.
Đồng thời, đại diện VCCorp cũng đề nghị Bộ TT&TT làm việc với Bộ Tài chính về việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho những nhân lực hoạt động về công nghệ cao tại các doanh nghiệp công nghệ. Nhà nước đã có chủ trương về vấn đề này nhưng chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể nên chính sách chưa được triển khai trong thực tế.
Trả lời kiến nghị của VCCorp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ đã ra quy chế từ nay trở đi, trong tất cả các văn bản pháp luật do Bộ soạn thảo ban hành đều sẽ tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động thành lập bộ phận nghiên cứu chính sách để có thể tích cực đóng góp khi Bộ mời tham vấn.
Bộ trưởng hoàn toàn nhất trí với đề xuất tổ chức các hội nghị chuyên đề trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và chỉ đạo các Cục, Vụ liên quan (Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Vụ CNTT) định kỳ tổ chức hai hội nghị chuyên đề một năm trong các lĩnh vực mình quản lý. Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực đề xuất các vấn đề sẽ được bàn thảo để những hội nghị này thực sự hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, năm 2019 là một năm tốt cho Việt Nam. Vận nước đang lên, hào khí đang lên. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Việt Nam trong tháng 2/2019 sẽ thu hút hơn 3.000 phóng viên quốc tế đến Việt Nam đưa tin. Nhiệm vụ của Bộ TT&TT là cấp phép cho các phóng viên quốc tế này và đây cũng là cơ hội thuận lợi để báo chí quốc tế đưa các thông tin về hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là một cơ hội cho Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình ra cộng đồng quốc tế.
Về lĩnh vực Viễn thông, Bộ trưởng nhận định trong tháng 1 vừa qua các doanh nghiệp viễn thông tăng trưởng tốt trong bối cảnh thị trường viễn thông đã bão hòa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2019 Bộ sẽ rất mạnh tay để chấn chỉnh SIM rác.
Trong lĩnh vực ICT, Bộ sẽ cố gắng ban hành sớm Đề án chuyển đổi số quốc gia trong nửa đầu năm 2019 nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ICT.
Về an toàn thông tin, dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc năm 2019 phải giải quyết được vấn đề mất an toàn thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng chỉ đạo Cục ATTT trong tháng 2 phải trình lên Thủ tướng dự thảo Chỉ thị về việc các cơ quan Đảng, Nhà nước phải có một công ty hỗ trợ việc đảm bảo ATTT.
Trong lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ của báo chí là tăng cường niềm tin của người dân vào đất nước, vào tương lai dân tộc. Đây cũng là năm Cục PTTH-TTĐT có nhiều nhiệm vụ nặng nề: Đó là thực thi luật pháp Việt Nam đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
ICT News