MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ TT&TT làm việc với VNPT, MobiFone chuẩn bị chuyển quyền đại diện chủ sở hữu

Bộ TT&TT vừa có buổi làm việc với VNPT, MobiFone chuẩn bị chuyển quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đại diện VNPT cho rằng việc sáp nhập về Ủy ban này là thuận lợi lớn để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm quản trị từ 18 tập đoàn lớn.


Cuối tuần trước, lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với VNPT, MobiFone chuẩn bị quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu trên ấn phẩm của VNPT, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho rằng, việc sáp nhập về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là thuận lợi lớn để VNPT trao đổi và học hỏi kinh nghiệm quản trị từ 18 Tập đoàn, Tổng công ty khác. Vì khi các Tập đoàn, Tổng công ty về chung một Ủy ban thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là tổ chức chuyên về giám sát và bảo tồn hoạt động vốn tại doanh nghiệp nên tính chuyên nghiệp sẽ rất cao, vì vậy việc áp dụng các cơ chế, thể chế quản lý nhà nước về doanh nghiệp sẽ thực tế hơn.

Như vậy, khi sáp nhập về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, VNPT cũng như các tổ chức khác sẽ được hỗ trợ tối đa để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, quy trình duyệt và thẩm định các dự án đầu tư cũng nhanh chóng hơn, nắm bắt cơ hội phát triển tốt hơn. Lãnh đạo VNPT cũng kỳ vọng, là thành viên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, VNPT sẽ ngày càng rút ngắn được thời gian đưa ra thị trường những sản phẩm mới, rút ngắn được quá trình đầu tư công nghệ mới để thực hiện thắng lợi chiến lược VNPT 4.0 trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác. Như vậy, kể từ đầu tháng 10/2018, Ủy ban này sẽ trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 7 Tập đoàn và 12 Tổng công ty nhà nước với số vốn lên đến trên 01 triệu tỷ đồng và tổng giá trị tài sản lên đến khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu như sau: Quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi ra mắt Ủy ban này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta có 2 con đường: Một là xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN. Và con đường thứ 2 là con đường tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ, có thể làm gánh nặng cho hệ thống doanh nghiệp cũng như của cả đất nước. Hai con đường đó thì chọn đường nào?".

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: Chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất. "Con đường này khó hơn nhưng tôi tin tưởng tất cả các đồng chí có mặt ở đây hôm nay đều nhất trí lựa chọn con đường này". Thủ tướng đề nghị Ủy ban cần có thước đo đánh giá kết quả của từng tập đoàn. Thủ tướng nêu rõ, Ủy ban cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý và sử dụng vốn nhà nước, quản lý người đại diện, cơ chế chính sách đầu tư vốn nhà nước phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tình hình kinh tế thị trường đang thay đổi rất nhanh. Trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; báo cáo kịp thời Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc.

Nghị định cũng quy định doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm:

a) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước;

b) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

c) Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

d) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;

đ) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;

e) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;

g) Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam;

h) Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam;

i) Tổng công ty Viễn thông Mobione;

k) Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam;

l) Tổng công ty Hàng không Việt Nam;

m) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;

n) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

o) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;

p) Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;

q) Tổng công ty Cà phê Việt Nam;

r) Tổng công ty Lương thực miền Nam;

s) Tổng công ty Lương thực miền Bắc;

t) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;

u) Các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo PV

ICT News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên