MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bốc hơi 88 ngàn tỷ đồng từ đỉnh 8 năm, thị trường đang tạo ra cơ hội mới?

Vốn hóa toàn thị trường đã bốc hơi hơn 88 ngàn tỷ đồng trong kỳ điều chỉnh này. Hầu hết các dự báo được đưa ra trong ngắn hạn nhìn chung vẫn khá tiêu cực, thế nhưng vẫn có một số nhà đầu tư xem đó là cơ hội.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, thị trường chứng khoán đã mang đến nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư. Từ đỉnh cao với kỳ vọng thị trường sẽ chinh phục các mức cao mới, sau khi vượt đỉnh 8 năm cho đến vực sâu khi nhiều cổ phiếu đã lao dốc mạnh, đánh rơi những thành quả tăng giá tích lũy trước đó.

Thị trường những phiên gần đây giao dịch ảm đạm, tâm lý hoảng loạn đã xuất hiện ở một số thời điểm khiến chỉ số VN-Index liên tục giảm điểm, đánh mất mốc hỗ trợ 640 điểm và đóng cửa ở mức 627. 39 điểm trong tuần qua.

Nếu như vào cuối tháng 7, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tượng giảm giá là do hành động chốt lời đối với nhóm cổ phiếu có sự tăng giá mạnh bất thường trong thời gian trước đó như DRH, EVE, HAS, TTF, SMC, QBS, HKB, HAX, HTL, TMT, …Thì sang tuần đầu tháng 8, sự sụt giảm đã diễn ra hàng loạt ở nhiều nhóm cổ phiếu khác. Không những cổ phiếu đầu cơ mà những cổ phiếu thuộc nhóm ít biến động cũng chịu áp lực bán lớn. Thậm chí cổ phiếu thuộc nhóm blue chips như HSG của tập đoàn Hoa Sen cũng có những diễn biến tương tự.

Nhóm cổ phiếu họ nhà VinaChem tiếp đà lao dốc mạnh. Ngoài những cổ phiếu đã xì “bong bóng” trước đó là PAC, NET, LIX, CSM, SRC, thì cổ phiếu CSV của Hóa chất cơ bản Miền Nam cũng quay đầu lao dốc khá nhanh sau khi tăng một mạch lên mức đỉnh cao nhất kể niêm yết.

Với hiện tượng giảm giá mạnh của nhiều cổ phiếu trên thị trường, một nhà tư vấn chuyên nghiệp đang quản lý hàng trăm tỷ đồng ủy thác đầu tư cho biết, việc các cổ phiếu đồng loạt giảm giá mạnh có nguyên nhân một phần do hiện tượng giảm tỷ lệ margin để cân đối tài khoản khi nhiều mã đầu cơ giảm mạnh và không bán được. Điều này khiến họ phải bán các cổ phiếu khác trong danh mục dẫn đến hiện tượng giảm giá hàng loạt.

Kết quả thống kê cho thấy vốn hóa toàn thị trường đã bốc hơi hơn 88 ngàn tỷ đồng trong kỳ điều chỉnh này, kể từ khi thị trường vượt đỉnh 8 năm đến cuối tuần đầu tháng 8. Vốn hóa tăng và giảm là hết sức bình thường trên thị trường nhưng điều đáng ngại ở đây đó chính là việc vốn hóa giảm cùng với dấu hiện kiệt dòng tiền.

Với hàng ngàn tỷ đồng mất mát từ một số cổ phiếu dính líu đến gian lận hay kết quả kinh doanh đột ngột giảm mạnh so với công bố như MTM, TTF, QBS,…thì các nhà đầu tư xem như đã mất đi hàng ngàn tỷ đồng “tiền chết” khi giá các cổ phiếu này bốc hơi mà khả năng phục hồi trở lại là hầu như vô vọng. Sự sụt giảm dòng tiền đã thể hiện rõ nét trong những phiên giao dịch gần đây được đánh giá có sự góp phần từ dòng “tiền chết” đó.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia đánh giá áp lực bán ra có phần mạnh hơn ở những phiên đầu tháng 8 khi thị trường đón nhận những thông tin xấu liên quan đến việc điều tra các sai phạm trong hoạt động của một số công ty lớn và các ngân hàng trong nước. Ngoài ra, việc giá dầu lao dốc từ 50 USD/thùng xuống vùng 40 USD/thùng trở thành gánh nặng đạp thị trường sụt giảm mạnh hơn.

Khi thị trường giảm, hầu hết các dự báo được đưa ra trong ngắn hạn nhìn chung vẫn khá tiêu cực. Một số chuyên gia cho rằng hành động mua vào lúc này là rủi ro khi thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ.


Thời điểm cân đối giữa rủi ro và cơ hội

Thời điểm cân đối giữa rủi ro và cơ hội

Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư lâu năm vẫn khá tự tin cho rằng thị trường tháng 8 vốn là “tháng ngâu” đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ nhưng lại là tháng hành động của các nhà đầu tư lớn khi giá nhiều cổ phiếu giảm về mức hợp lý hơn.

Các báo cáo mới đây cũng cho thấy nhiều thông tin tích cực từ nhóm cổ phiếu Blue chip như VNM, VCB, HPG, MWG, HSG…Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, giá dầu đang có ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 40 USD/thùng sẽ kìm hãm đà giảm của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Ngoài ra, thị trường vẫn đang có một lực đỡ khá mạnh từ niềm tin của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang miệt mài gom mua cổ phiếu khi thị trường giảm trong thời gian qua. Sau tháng mua ròng kỷ lục, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực với việc duy trì trạng thái mua ròng khá tốt, trong tuần đầu tháng 8, trong khi thị trường giảm thì nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 350 tỷ đồng.

Ở một góc độ khác, một số chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng có thể hiện tượng “short sell” (bán khống cổ phiếu) đã diễn ra bùng phát trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau hiện tượng "hưng phấn bất hợp lý" diễn ra quá nhanh trên thị trường. Do đó, khả năng khi hoạt động này yếu đi sẽ kích hoạt lực mua trở lại mua để trả lại cổ phiếu đã mượn, điều này có thể sẽ "vô tình" trở thành trợ lực cho các cổ phiếu bị "short sell" trước đó.

Theo Hoàng Trung

Người đồng hành

Trở lên trên