MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Boeing - Biểu tượng hơn 100 năm tuổi của Mỹ loay hoay trong ‘bão’

11-06-2024 - 13:49 PM | Tài chính quốc tế

CEO mới của Boeing sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn.

Hơn một thập kỷ trước, các giám đốc điều hành Boeing đã đưa ra quyết định khó khăn: Từ bỏ ý định phát triển một chiếc máy bay mới, thay vào đó, chạy đua nâng cấp dòng 737 - loại máy bay phản lực phổ biến nhất của công ty.

Tuy nhiên, ngay sau khi chiếc máy bay 737 Max dính phải 2 vụ tai nạn chết người vào năm 2018 và 2019, hãng bay này lập tức thu hút nhiều sự ý của công chúng. Rắc rối khiến Boeing tụt lại phía sau Airbus trên thị trường mà hãng vốn từng thống trị.

Hiện tại, Boeing dự kiến sẽ bổ nhiệm thêm một giám đốc điều hành mới vào cuối năm nay. Có một điều mà hãng này luôn đau đáu: Thời điểm nào được cho là thích hợp để phát triển chiếc máy bay hoàn toàn mới tiếp theo?

Nếu sai, công ty có thể ‘ném qua cửa sổ’ hàng tỷ USD mà vẫn mất thị phần vào tay Airbus. Hai nhà sản xuất này hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa xa xôi từ Trung Quốc cũng như áp lực ngày càng tăng trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Ken Herbert, nhà phân tích hàng không và quốc phòng tại RBC Capital Markets, cho biết: “Đó sẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất đối với bất kỳ ai đảm nhận vai trò CEO. Di sản của họ sẽ được xác định bởi những gì họ làm với danh mục đầu tư.”

“Họ càng tìm nhanh càng tốt. Vì CEO mới sẽ phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ đấy”, Bill George - CEO Medtronic cho biết. Ông là đồng tác giả các bài nghiên cứu về thách thức của Boeing.

Theo The New York Times, máy bay thương mại thường được chia thành 2 loại: Thân hẹp 1 lối như 737 cho các chuyến bay nội địa Mỹ và thân rộng 2 lối cho các chuyến bay từ New York đến London hoặc Tokyo. Boeing và Airbus bán nhiều máy bay phản lực thân hẹp, song thị trường ngày càng yêu cầu những phiên bản lớn hơn do nhu cầu đi lại tăng trưởng.

737 Max được thiết kế để cạnh tranh với dòng máy bay Airbus A320neo. Các chuyên gia cho rằng Boeing đã thua trong cuộc chiến sau loạt bê bối. Các hãng hàng không trên khắp thế giới đặt mua thêm nhiều máy bay Airbus thay vì Boeing. Theo Cirium, nhà cung cấp dữ liệu hàng không, năm 2019, lần đầu tiên Airbus có nhiều máy bay chở khách bay vòng quanh hành tinh hơn Boeing.

737 Max vốn được ưa chuộng, đặc biệt là với các hãng hàng không ở Mỹ, nơi có lịch sử lâu đời sử dụng máy bay Boeing. Công ty đang nỗ lực hoàn thành khoảng 4.300 đơn đặt hàng cho Max, số đơn hàng tồn đọng trị giá hàng trăm tỷ USD.

Boeing hiện vẫn dẫn đầu phân khúc máy bay 2 lối, song vị thế thống trị của Airbus trên thị trường máy bay 1 lối đã cho thấy năng lực của hãng. Với doanh số bán hàng tăng lên, Airbus có thể đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển. Ron Epstein, nhà phân tích hàng không và quốc phòng tại Bank of America, cho biết: “Trong suốt thời gian Boeing chạy khắp nơi để dập lửa, Airbus chỉ điều hành hoạt động kinh doanh của họ”.

Từ trước khi sự cố bung cửa xảy ra, nhiều năm qua, lãnh đạo các hãng hàng không đã bày tỏ sự bất mãn với việc giao hàng chậm trễ. Southwest Airlines - với toàn bộ đội bay là Boeing - cho biết đã phải giảm số chuyến trong nửa cuối năm. United Airlines thì đang mua thêm máy bay Airbus.

“Đây không phải công việc giải quyết được trong 12 tháng, mà là 2 thập kỷ”, CEO United Airlines Scott Kirby nhận định.

Boeing - Biểu tượng hơn 100 năm tuổi của Mỹ loay hoay trong ‘bão’- Ảnh 1.

Boeing vắt kiệt sức mình với chiếc 737 ra mắt vào cuối những năm 1960. Khi phát triển Max, công ty đã đẩy cấu trúc chiếc máy bay đến giới hạn. Các chuyên gia hàng không cho biết chiếc máy bay tiếp theo của hãng có thể sẽ phải chế tạo từ đầu. Hiện chưa rõ nó trông như thế nào và khi nào sẽ xuất hiện.

Dave Calhoun, giám đốc điều hành của Boeing, cho biết công ty sẽ không tung ra máy bay mới cho đến giữa những năm 2030. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết việc chế tạo một chiếc máy bay mới có thể giúp Boeing lấp đầy khoảng trống quan trọng trên thị trường máy bay phản lực thân hẹp.

Michel Merluzeau, nhà phân tích tại AIR, một công ty tư vấn quốc phòng và hàng không vũ trụ, cho biết: “Nếu bạn giới thiệu cho các hãng hàng không một chiếc máy bay khá tốt, họ sẽ mua nó”.

Một số người cho rằng Boeing càng mất nhiều thời gian chế tạo máy bay mới, Airbus càng mở rộng vị trí dẫn đầu. Các động cơ mới hứa hẹn mang lại hiệu quả lớn song chúng có thể không đạt hiệu quả như mong muốn. Các hãng hàng không cũng có thể thận trọng với những chiếc máy bay này.

Một số cho rằng chờ đợi là quyết định khôn ngoan nhất lúc này. Nếu Boeing di chuyển quá sớm, Airbus có thể nhảy vào với một chiếc máy bay mới hơn, tốt hơn. Hầu hết các nhà phân tích đều kỳ vọng Airbus sẽ tung ra máy bay mới vào giữa thập kỷ tới, cùng thời điểm mà ông Calhoun nhắm tới.

Phát triển máy bay mới là nhiệm vụ rất phức tạp. Không giống như máy bay thân rộng, máy bay phản lực thân hẹp được bán với số lượng lớn hơn và do đó cần phải sản xuất rất nhanh.

Boeing, Airbus đặt mục tiêu sản xuất hàng chục chiếc mỗi tháng và để đáp ứng tốc độ đó, Boeing sẽ phải phát triển một hệ thống sản xuất phức tạp và chuẩn bị kỹ càng cho phía nhà cung cấp. Các hãng hàng không cũng có thể sẽ phải đào tạo phi công lái dòng máy mới nếu cần.

Tất nhiên, Boeing sẽ không bắt đầu lại từ con số 0. Hãng có thể áp dụng các bài học kinh nghiệm từ những nơi khác, chẳng hạn như việc phát triển máy bay thân rộng 787 Dreamliner mà hãng này đã giao lần đầu tiên vào năm 2011.

Được biết chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Boeing đã phải đối mặt với 2 sự cố liên quan đến các dòng máy bay của hãng, khiến các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa với Boeing. Cuộc khủng hoảng mà gã khổng lồ trong ngành hàng không thế giới phải đối mặt không biết bao giờ mới có hồi kết.

Vào ngày 11/3, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile), đã gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney (Australia) đến Auckland (New Zealand). Vụ việc đã khiến 50 người bị thương. Đây là sự cố lớn thứ 2 từ đầu năm của gã khổng lồ Boeing.

Trước đó, ngày 5/1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng hàng không Mỹ Alaska Airlines cất cánh từ sân bay Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California, cũng đã gặp sự cố sau khi khởi hành khoảng 20 phút. Khi ở độ cao gần 5.000 mét, cửa sổ và một mảnh thân máy bay đã bung ra, nổ tung giữa không trung. Sự cố xảy ra trước khi máy bay đạt đến độ cao hành trình, thời điểm hành khách bắt đầu được tháo dây an toàn.

Theo: The New York Times, WSJ

Theo Vũ Anh

An Ninh Tiền Tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên