Bội chi ngân sách thấp nhất trong 6 năm trở lại
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, bội chi ngân sách nhà nước giảm đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước...
- 12-07-2017Địa phương thất thu ngân sách vì ô tô nhập khẩu
- 06-07-2017Từ chuyện Quảng Nam hụt thu ngân sách 3.000 tỷ đến những "ông lớn" tư nhân tác động đến nền kinh tế Việt Nam ra sao?
- 03-07-2017Hụt thu ngân sách, kiến nghị tính lại thuế nhập khẩu linh kiện ô tô
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý II vừa công bố, Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho biết, bội chi ngân sách nhà nước giảm đáng kể trong hai quý đầu năm.
Tuy nhiên, điều này xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước.
Cụ thể, tính tới thời điểm 15/6/2017, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% và bằng 41,3% dự toán. Còn tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/06 ước đạt 533,4 nghìn tỷ đồng và chỉ bằng 38,4% dự toán.
Trong cơ cấu chi ngân sách, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 83,3 nghìn tỷ đổng, tương đương với 23,3% dự toán năm và chỉ chiếm 15,6% tổng chi. Điều này khiến cho bội chi ngân sách ước tính chỉ ở mức 32,5 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
đây. Số liệu: Tổng cục Thống kê
Trong khi đó, chi thường xuyên vẫn đạt 44,5% so với dự toán, tương đương 398,9 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng chi thường xuyên thậm chí còn có xu hướng gia tăng về mặt danh nghĩa (2015: 7,3%, 2016: 5,2%, 2017: 9,8%).
Đồng thời, chi trả nợ gốc và lãi lần lượt đạt 88,1 và 50 nghìn tỷ đồng, tương ứng đạt 53,8% và 50,5% dự toán. Các khoản chi này cho thấy áp lực trả nợ của Chính phủ đang ngày càng tăng cao.
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, nếu không có các biện pháp cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý, ngân sách nhà nước sẽ trở nên mất cân bằng một cách nghiêm trọng, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển sẽ suy giảm hoặc phải tiếp tục vay nợ để bổ sung.
Nơi nào đang ì ạch nhất trong việc giải ngân vốn đầu tư công?
Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư công ước tính mới thực hiện đạt 115 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% kế hoạch năm. Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 26 nghìn tỷ đồng còn vốn địa phương quản lý đạt 89 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù có tăng (7,6%) so với cùng kỳ năm trước song tình hình giải ngân vốn đầu tư vẫn còn khá chậm chạp so với kế hoạch đặt ra.
Đối với nguồn vốn trung ương quản lý, vốn đầu tư thực hiện lớn nhất là Bộ Giao thông Vận tải đạt 14 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% kế hoạch năm và tăng 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tiến độ giải ngân so với kế hoạch năm, Bộ Xây dựng thực hiện cao nhất với tỷ lệ 48,6% so với kế hoạch năm. Thấp nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới giải ngân được bằng 31,8% kế hoạch năm...
Tình hình thực hiện vốn đầu tư công tại các bộ trong 6 tháng đầu năm.
Đối với nguồn vốn địa phương quản lý, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% kế hoạch năm và tăng 4,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 22,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 15,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4.524 tỷ đồng, bằng 52,2% và tăng 9%.
Tham gia giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, liên quan tới việc giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ nhưng “thẳng thắn mà nói là còn chậm, không phân bổ hết dự toán”.
“Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được”, Phó thủ tướng cho biết, trong khi đó Chính phủ, Bộ Tài chính luôn bảo đảm nguồn vốn. Theo Phó thủ tướng, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, giảm hiệu quả sử dụng vốn...
BizLive