MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vùng Vịnh 'bơi trong tiền' nhưng xuất hiện những dòng chảy lạ: Petrodollar sắp hết thời, vị thế của Mỹ suy yếu?

12-04-2023 - 06:38 AM | Tài chính quốc tế

Vùng Vịnh 'bơi trong tiền' nhưng xuất hiện những dòng chảy lạ: Petrodollar sắp hết thời, vị thế của Mỹ suy yếu?

Theo ước tính của The Economist, trong năm tài khóa 2022-23, thặng dư tài khoản vãng lai của các nước vùng Vịnh có thể đạt hơn 600 tỷ USD. Trong số này, lượng tiền quay trở lại với phương Tây ngày càng giảm.

Những ngày gần đây, tại các trung tâm tài chính của châu Âu xuất hiện một nhóm các chuyên gia “săn đầu người”. Bên ly café buổi sáng, họ cố gắng thuyết phục các nhân tài đang làm việc trong các quỹ đầu tư chuyển sang những công việc gắn với các chế độ rất hấp dẫn gồm miễn thuế, visa vàng và tất nhiên là mức lương hậu hĩnh.

Khách hàng của họ chính là những quỹ đầu tư quốc gia vùng Vịnh. Một thập kỷ làm việc tại Doha từng là 1 điểm trừ lớn, nhưng các chế độ và phúc lợi đủ hấp dẫn để lôi kéo không ít người tình nguyện tham gia các chuyến đi tới vùng đất “chỉ toàn cát trắng”.

Tháng 10 năm ngoái, lãnh đạo quyền lực thứ 2 của Amundi, quỹ quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, đã chuyển tới làm việc cho ADIA – quỹ quản lý 1.000 tỷ USD tài sản cho Abu Dhabi. Giờ đây, các công ty săn đầu người đang ráo riết tìm kiếm thêm nhân tài cho Qatar Investment Authority (QIA, quỹ chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng) và quỹ đầu tư tài chính PIF của Saudi Arabia.

Quay lưng với Mỹ

Chiến tranh và các lệnh cấm vận đã đẩy giá dầu mỏ lên cao, đồng nghĩa các nước xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh “bơi trong tiền”. Trong các giai đoạn bùng nổ trước đây, dòng tiền sẽ chảy vào thị trường vốn phương Tây hay được dùng để thâu tóm các tài sản ở nước ngoài. Đằng sau dòng chảy này là 1 quy tắc ngầm: Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự và mua dầu từ Saudi Arabia và các đồng minh, đổi lại họ sẽ giúp “chú Sam” lấp đầy thâm hụt cán cân vãng lai bằng dòng petrodollar.

Tuy nhiên, ngày nay mối quan hệ đó đã đổ vỡ vì Mỹ giờ đã là nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Các nước vùng Vịnh lại cảm thấy hứng thú hơn với châu Á và đang muốn hàn gắn quan hệ với Israel cũng như Iran.

Hôm 2/4, Saudi Arabia và các đồng minh khiến Mỹ tức giận khi tăng mức cắt giảm sản lượng lên gần 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 4% sản lượng toàn cầu và khiến giá dầu tăng vọt. Họ cũng thoải mái sử dụng núi tiền khổng lồ theo cách họ muốn.

Theo ước tính của The Economist, trong năm tài khóa 2022-23, thặng dư tài khoản vãng lai của các nước vùng Vịnh có thể đạt hơn 600 tỷ USD. Trong số này, lượng tiền quay trở lại với phương Tây ngày càng giảm. Thay vào đó, ngày càng nhiều tiền được sử dụng để phục vụ các mục đích chính trị tại quê nhà và tăng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài.

Vùng Vịnh không phải là nơi duy nhất hưởng lợi từ giá dầu tăng. Năm ngoái, Na Uy – nước đã tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sau khi Nga bị cấm vận, đã thu được kỷ lục 161 tỷ USD tiền thuế từ bán dầu mỏ, tăng 150% so với năm 2021. Kể cả Nga cũng chứng kiến doanh thu tăng 19%, lên 210 tỷ USD.

Nhưng không nơi nào có thể so với vùng Vịnh, nơi được hưởng lợi từ chi phí sản xuất thấp, trữ lượng dồi dào và vị trí địa lý thuận lợi. Rystad Energy ước tính các nước vùng Vịnh “đút túi” 600 tỷ USD tiền thuế từ xuất khẩu dầu trong năm 2022.

Trong số đó, 4 thành viên lớn nhất của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Kuwait, Qatar, UAE và Saudi Arabia là những nước thắng lớn nhất. Theo Alex Etra, chuyên gia đang làm việc tại công ty dữ liệu Exante, tổng thặng dư cán cân vãng lai của các nước này trong năm 2022 đạt 350 tỷ USD.

Sau khi chạm mốc 100 USD/thùng trong năm ngoái, giá dầu Brent đã giảm xuống. Tuy nhiên, với mức 85 USD hiện nay, Etra tính toán rằng 4 ông lớn nói trên vẫn có thể đạt mức thặng dư 300 tỷ USD trong năm 2023. Như vậy họ có tổng cộng 650 tỷ USD sau 2 năm.

Trong quá khứ, phần lớn số tiền này sẽ đi thẳng tới dự trữ ngoại hối của các NHTW. Hầu hết các thành viên của GCC neo tiền tệ của họ vào USD, do đó họ phải tăng tích lũy USD. Tuy nhiên, lần này câu chuyện đã thay đổi.

Dùng tiền để gia tăng quyền lực mềm

Theo điều tra của The Economist, dòng tiền dồi dào từ dầu mỏ được sử dụng theo 3 cách rất mới, với 3 bên chính bao gồm chính phủ các nước, NHTW và các quỹ đầu tư quốc gia. Tiền được dùng để trả nợ nước ngoài, cho các nước “bạn bè” vay và thâu tóm các tài sản ở nước ngoài.

Bắt đầu với nợ. Từ 2014 đến 2016, dầu đá phiến bùng nổ ở Mỹ và khiến thế giới thừa dầu. Giá lao dốc từ 120 USD/thùng xuống chỉ còn 30 USD, mức giảm sâu nhất trong lịch sử hiện đại. Năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa phòng Covid-19 khiến nhu cầu sụt giảm mạnh, giá lại lao dốc một lần nữa, xuống còn 18 USD.

Để chống đỡ cú sốc, nhiều nước vùng Vịnh đã phải bán tháo các tài sản ở nước ngoài. Các NHTW bán đi một phần dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ. Họ còn phải đi vay trên thị trường vốn phương Tây.

Giờ đây, một số đang tận dụng giá dầu tăng để cân bằng lại bảng cân đối kế toán. Abu Dhabi, tiểu vương quốc giàu có nhất của UAE, đã trả được 3 tỷ USD kể từ cuối năm 2021 đến nay, tương đương khoảng 7% tổng nợ, theo Moody’s. Nợ của Qatar giảm 4 tỷ USD, tương đương 4%. Kuwait giảm được một nửa nợ kể từ năm 2020. Giảm nợ trên diện rộng là hiện tượng hoàn toàn mới: khi giá dầu bùng nổ cuối những năm 2000, các nước GCC có rất ít nợ.

Các nước vùng Vịnh còn tăng cường cho các nước đồng minh vay tiền. Đầu năm 2022, NHTW Ai Cập, nước phải nhập khẩu rất nhiều thực phẩm và bị ảnh hưởng nặng nề khi giá ngũ cốc tăng vọt, nhận được khoản vay 13 tỷ USD từ Qatar, Saudi Arabia và UAE.

Những năm gần đây, Saudi Arabia cũng cho Pakistan nợ hàng tỷ USD tiền mua dầu mỏ. Tất nhiên đi kèm với đó là yêu cầu những nước này phải cải cách kinh tế. Một số khoản vay khác lại là để đổi lấy cổ phần trong những tập đoàn nhà nước.

Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần nhận cứu trợ khẩn cấp từ IMF và các ngân hàng châu Âu. Tuy nhiên, mới đây khi lạm phát phi mã và động đất đẩy nền kinh tế đến bờ vực, nước này nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các nước vùng Vịnh.

Ngày 6/3, Saudi Arabia cho vay 5 tỷ USD. Qatar và UAE hỗ trợ 19 tỷ USD thông qua các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với NHTW Thổ Nhĩ Kỳ. Cả 3 đều cam kết tham gia vào các đợt đấu giá trái phiếu chính phủ sắp tới của nước này. Qatar lâu nay vẫn là đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng UAE và Saudi Arabia cũng mong muốn tăng tầm ảnh hưởng tại đây.

Kênh cuối cùng được sử dụng là đầu tư nước ngoài. Trước đây, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất là Nga và Saudi Arabia thường để tiền trong các ngân hàng phương Tây hoặc mua trái phiếu chính phủ - vốn là loại tài sản siêu an toàn. Tất cả những gì họ muốn là mức lợi suất ổn định, ít bất ngờ. Chỉ có Qatar được mệnh danh là “cao bồi Trung Đông” khi liều lĩnh mua đội bóng đá và tòa nhà chọc trời.

Hiện dự trữ ngoại hối của NHTW Nga đã bị đóng băng. Và kể từ 2015, khi Thái tử Muhammad Bin Salman lên nắm quyền, NHTW Saudi nhận được ít tiền hơn nhiều so với PIF. Chỉ trong vài năm, PIF và các quỹ tương tự ở vùng Vịnh đã phình to đáng kể. Dòng tiền được vùng Vịnh sử dụng theo cách phiêu lưu hơn, mang nặng tính chính trị hơn và ít hướng về phương Tây hơn.

Các quỹ này thường không cập nhật số liệu về quy mô hay chiến lược đầu tư lên website như quỹ đầu tư của chính phủ Na Uy. Tuy nhiên vẫn có những chỉ báo. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy hầu hết được để tại các tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.

Có lẽ họ muốn đợi đến khi lãi suất đạt đỉnh rồi mới chuyển sang đầu tư trái phiếu. Ngoài ra họ cũng quan tâm đến cổ phiếu, các quỹ tvùng Vịnh thường mua cổ phiếu Mỹ thông qua các quỹ quản lý tài sản châu Âu.

Phần lớn các quỹ này đầu tư vào cổ phiếu thông qua quỹ chỉ số - loại hình có mức phí thấp và giúp đa dạng hóa danh mục. Tuy nhiên bên cạnh đó có cả những tài sản rủi ro hơn như vốn cổ phần tư nhân, bất động sản, cơ sở hạ tầng và các quỹ đầu cơ. Nhóm này chiếm 23 – 37% tổng tài sản của 3 quỹ lớn nhất vùng Vịnh, theo công ty dữ liệu Global SWF.

Không chỉ có vậy, các khoản đầu tư trực tiếp – các vụ M&A trên thị trường vốn tư nhân hoặc mua cổ phần của các công ty niêm yết – đang tăng trưởng rất nhanh, theo UBS.

Kể từ năm ngoái, các quỹ đã bán ra lượng lớn cổ phiếu châu Âu. Nhưng theo các nguồn tin thân cận, gần đây các đội ngũ đặc biệt đã được thành lập để khảo sát các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Trong lúc các nước khác tạm rời xa Trung Quốc vì căng thẳng địa chính trị, họ lại tăng gấp đôi sự hiện diện vì muốn thế chân các nhà đầu tư phương Tây.

Tất cả là để phục vụ các mục tiêu chiến lược về quyền lực mềm. Có thể PIF đã mất trắng 45 tỷ USD đầu tư vào Vision Fund của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son năm 2016. Tuy nhiên, vị thế của Saudi Arabia đã tăng rất mạnh trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. PIF cũng đã lập các chi nhánh ở Ai Cập, Iraq, Jordan, Bahrain, Oman và Sudan để đầu tư 24 tỷ USD vào các nước Arab.

Mối quan tâm lớn nhất chính là cơ hội mới trong những lĩnh vực mới mẻ như năng lượng tái tạo. Tháng 10 năm ngoái, quỹ Mubadala đầu tư 2,5 tỷ USD vào 1 công ty điện gió của Đức. QIA mua 10% cổ phần ở RWE, thâu tóm công ty năng lượng mặt trời ở Mỹ. Tuy nhiên không phải khoản đầu tư nào cũng đem lại quả ngọt. Saudi National Bank đã mất 80% số tiền đầu tư vào Credit Suisse khi ngân hàng này bị UBS mua lại.

Thoát khỏi dầu mỏ

Một số quỹ lại quay sang đầu tư tại chính quê nhà nằm giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ. PIF đang tài trợ cho nhiều dự án trong nước, trong đó có Neom, thành phố thẳng đứng được xây trên sa mạc được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại hiếm có.

Có thể nhìn thấy minh họa rõ ràng nhất cho sự thay đổi tại Abu Dhabi. Dòng tiền thu được từ dầu mỏ đang chảy vào ADQ, 1 quỹ mới chỉ 4 năm tuổi nhưng đã có quy mô 157 tỷ USD, nhiều hơn so với quỹ lâu đời nhất là ADIA. ADQ đã mua cổ phần tại các công ty trong nhiều ngành từ năng lượng, thực phẩm, vận tải đến dược phẩm – những lĩnh vực mà tiểu vương quốc này cho là quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Một phần khác chảy vào Mubadala. Năm 2008 quỹ này chỉ có 15 tỷ USD tài sản nhưng giờ đang cai quản gần 300 tỷ USD. Thay vì tập trung vào hàng hóa, giờ danh mục của quỹ này còn có cả năng lượng tái tạo và công nghệ.

Nhưng sự dịch chuyển này lại làm lu mờ ranh giới giữa tài sản cá nhân của hoàng tộc với tài sản quốc gia. Các quỹ tăng trưởng nhanh nhất được điều hành bởi các thành viên hoàng gia. Ngày càng có nhiều tiền được sử dụng cho những dự án “con cưng”.

Điều này là tin xấu cho phương Tây. Cách đây 2 thập kỷ, khi các quỹ đầu tư quốc gia mới nổi lên, nhiều người ở phương Tây lo ngại chúng sẽ được sử dụng để phục vụ những mục tiêu chính trị. Ở thời điểm đó, đó là sự lo lắng thái quá. Hiện tại chính là lúc nên lúc lo lắng nhưng lại ít ai để ý.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên