Bốn đại gia Việt bắt tay đấu với doanh nghiệp ngoại
Việc có một tập đoàn bán lẻ quy mô cấp quốc gia là cần thiết.
- 20-07-2017"Bán mình" cho nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp Việt đang tính toán gì?
- 20-07-2017Doanh nghiệp ào ạt lên sàn, bùng nổ cung cổ phiếu
- 19-07-2017Gắn đào tạo với thực tế, nhà trường với doanh nghiệp
Trong bối cảnh các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, mới đây Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của bốn đại gia hàng đầu trong các nhà bán lẻ hiện nay. Đó là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Mở đầu ra cho hàng Việt
Lý giải về đề xuất này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, nhận định trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất, nhiều tiềm năng phát triển, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) trong ngành bán lẻ Việt Nam vẫn gặp khó khăn, hạn chế về nhiều mặt.
Chính vì vậy AVR muốn khởi động lại, thành lập lại mô hình trên với tính chất là đa sở hữu về bán lẻ hàng đầu Việt Nam, qua đó nhằm mở được đầu ra cho hàng Việt. Với bốn DN hàng đầu trên đã có doanh thu đến 4-5 tỉ USD/năm.
Bà Loan cho biết thêm trước đây Chính phủ từng rất ủng hộ, kỳ vọng mô hình trên sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thị trường bán lẻ, tuy nhiên mô hình đó đã thất bại. Một trong những nguyên nhân chính là không tiếp cận được mặt bằng tại các tỉnh muốn phát triển.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA), từ năm 2007 bốn “ông lớn” nêu trên đã thành lập VDA. Tập đoàn này sẽ trở thành công ty mẹ và đảm nhận những việc mà một DN đơn lẻ không thể làm được. Việc tập hợp lại cơ sở vật chất, hệ thống mặt bằng, vốn, kinh nghiệm, thị trường, hàng hóa… của bốn công ty trên sẽ rất lớn. Khi VDA thành công thì các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc khi muốn thâu tóm hệ thống phân phối, logistic tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ Việt đang nỗ lực chống đỡ trước các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Ảnh: TÚ UYÊN
Ông Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng dự kiến mở đại siêu thị, tổng kho ở những vị trí đẹp tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… Tuy vậy VDA thất bại là do cơ chế, chính sách không đồng bộ và từ chính sách đến thực tiễn còn một khoảng cách xa. Cụ thể, về chính sách đất đai, một số địa phương sẵn sàng ủng hộ mặt bằng, một số địa phương thì không”.
Mặt khác, khi VDA vừa hình thành thì Nhà nước có chủ trương không cho đầu tư ngoài ngành. Do đó Satra và Hapro phải thoái vốn. Sau khi hai DN lớn thoái vốn, hai thành viên còn lại không đủ tiềm lực. “Chủ trương thoái vốn ra ngoài ngành là đúng nhưng với các công ty như Hapro, Satra đầu tư vào tập đoàn bán lẻ đâu có gì sai nhưng vẫn phải thoái vốn” - ông Minh nêu quan điểm.
Làm gì để thành công?
Việc các đại gia ngành bán lẻ cùng liên kết lại mong tạo nên một khối bán lẻ đoàn kết, phát triển mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu hàng Việt là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh vết xe đổ như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tháo gỡ những vướng mắc cơ chế, chính sách và bản thân các đại gia bán lẻ phải tìm được tiếng nói chung.
Nói thêm về vấn đề này, ông Minh cho biết đang kêu gọi thành lập một tập đoàn bán lẻ kiểu mới với nhiều điểm khác với mô hình cũ. Ví dụ, bất cứ thành phần nào cũng có thể tham gia mô hình này. Đặc biệt là không thực hiện theo cơ chế đồng thuận như mô hình cũ nữa - mỗi thành viên góp vốn 25% - mà ai bỏ vốn vào nhiều sẽ điều hành.
“Bên cạnh đó, tập đoàn bán lẻ mới cũng có ý định thành lập hệ thống siêu thị nông nghiệp. Nông dân khi vào siêu thị này sẽ mua được tất cả từ con giống, phân bón đến thức ăn, máy móc… đúng giá, không sợ mua hàng giả” - ông Minh chia sẻ.
TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cho rằng để tập đoàn bán lẻ kiểu mới hoạt động hiệu quả thì có thể làm theo mô hình của VinMart+ hay Thế Giới Di Động đã làm. Ngoài ra có thể tập trung đầu tư cho Saigon Co.op để đơn vị này đi đầu, xây dựng thành một tập đoàn lớn mạnh, từ đó phát huy được sức mạnh và vị trí của bán lẻ Việt Nam.
Đồng quan điểm, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cũng cho biết ở nhiều quốc gia đều có những tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật), Central Group (Thái Lan), Malaysia có Parkson… Những tập đoàn này định hướng cho bán lẻ chuyên nghiệp, xâm nhập thị trường mới để khai thông cho hàng hóa nước họ vào chứ không để một mình DN tự đi tìm thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, nhờ Alibaba mà hàng Trung Quốc có thể bán ra nhiều nước.
Do đó nếu Việt Nam có được một tập đoàn bán lẻ quy mô cấp quốc gia, có trình độ và tầm nhìn quốc tế là cần thiết. “Trước mắt, tập đoàn bán lẻ mới phải có một thương hiệu quốc tế và mô hình quản trị chuyên nghiệp sánh ngang với những thương hiệu bán lẻ chuyên nghiệp Lotte, Robinson, Aeon, 7-Eleven, Parkson… Nếu tập đoàn bán lẻ mới quyết tâm phát triển thì chuyên gia và đồng nghiệp quốc tế sẵn sàng tham gia tư vấn về chiến lược và hoạch định hệ thống chuyên nghiệp ngay từ những bước đi đầu tiên” - ông Quang nhấn mạnh.
Miếng bánh bán lẻ lên tới 179 tỉ USD
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2016 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước tương đương khoảng 118 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm trước. Trong khi đó, theo dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm với quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020.
Cộng đồng các DN bán lẻ đang chờ các chính sách, cơ chế thích hợp để phát triển bền vững, làm tốt vai trò cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất và tiêu dùng.
Bà ĐINH THỊ Mỹ LOAN, Chủ tịch AVR
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh