MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Bóng đen’ giá dầu tăng bủa vây châu Âu dù nhận tin vui lạm phát giảm mạnh

30-09-2023 - 07:37 AM | Tài chính quốc tế

Một con phố kinh doanh đông đúc tại Dortmund (Đức). Ảnh: AP

Một con phố kinh doanh đông đúc tại Dortmund (Đức). Ảnh: AP

Lạm phát tại châu Âu đã giảm mạnh trong tháng 9, nhưng đây có thể chỉ là niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi nguy cơ đáng lo ngại từ khả năng giá dầu tăng.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết theo dữ liệu được cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 29/9, lạm phát cơ bản, không bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm, đã giảm nhiều hơn dự đoán của các nhà phân tích, xuống 4,5%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã theo dõi chặt chẽ con số này để đánh giá lạm phát đang giảm như thế nào.

Diễn biến này củng cố hy vọng rằng ECB sẽ không phải hạn chế nền kinh tế hơn nữa bằng cách tăng lãi suất từ mức cao kỷ lục hiện nay. Lãi suất hàng năm là 4,3% trong tháng này, giảm từ mức 5,2% của tháng 8. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao gần đây đang phủ bóng đen lên triển vọng nhanh chóng đẩy lùi lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của ECB.

Ông Jack Allen-Reynolds tại công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh) đánh giá lạm phát cơ bản giảm “củng cố quan điểm của chúng tôi rằng ECB đã hoàn tất việc tăng lãi suất”. Ông dự đoán tỷ lệ lạm phát chung sẽ giảm xuống 3,5% vào cuối năm nay. Giá năng lượng đã giảm 4,7% trong tháng 9, trong khi lạm phát giá thực phẩm vẫn ở mức cao 8,8%.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết nếu mức lãi suất được duy trì trong “thời gian đủ dài” thì điều đó sẽ góp phần đáng kể đưa lạm phát trở lại mức 2%, mục tiêu mà ngân hàng này không mong đợi đạt được cho đến năm 2025. Giá cả cao đã kìm hãm nền kinh tế châu Âu vì tiền lương của người dân không còn đủ để trang trải, buộc họ phải cắt giảm các khoản chi tiêu.

‘Bóng đen’ giá dầu tăng bủa vây châu Âu dù nhận tin vui lạm phát giảm mạnh - Ảnh 1.

Một khu chợ ở ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AP

Tăng trưởng kinh tế châu Âu đã trì trệ trong sáu tháng đầu năm, với một số chỉ số bộc lộ dấu hiệu suy thoái trong quý 3 năm nay. Đợt lạm phát này xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng thiếu linh kiện và nguyên liệu thô. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến giá năng lượng tăng vọt.

ECB đã cố gắng kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất, khiến việc vay tiền để mua sắm lớn như nhà ở hoặc thiết bị mới để mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Điều đó làm giảm nhu cầu về hàng hóa và do đó giảm lạm phát. Nhưng lãi suất cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng ECB đã hoàn tất việc tăng lãi suất trừ khi có điều gì đó quyết liệt xảy ra gây khó khăn cho giảm lạm phát. Điều đó có thể là giá dầu tăng. Giá “vàng đen” vốn đã theo đà tăng sau khi các nhà sản xuất hàng đầu là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng. Nguy cơ giá dầu tăng hơn nữa sẽ tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng.

Sau khi giá dầu tăng gần 30% trong quý này lên mức cao nhất trong một năm, các nhà phân tích đang chờ đợi xem liệu nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia có tăng nguồn cung hay không.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) dự kiến nhóm họp vào ngày 4/10 tới.

Theo Hà Linh

Báo Tin Tức

Trở lên trên