MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bóng ma" IS quay lại Mỹ?

03-01-2025 - 10:15 AM | Tài chính quốc tế

Hai vụ tấn công liên tiếp đã thổi bùng nỗi lo ngại về an ninh quốc gia và khủng bố tại Mỹ, ngay trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức.

Trong cuộc họp báo ngày 2-1 (giờ địa phương), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã công bố mối liên hệ đầu tiên giữa 2 vụ tấn công cùng xảy ra một ngày trước đó: Cả hai nghi phạm từng đóng quân tại cùng căn cứ trong thời gian tại ngũ.

Công bố trên được đưa ra sau khi lực lượng thực thi pháp luật khám xét một ngôi nhà tại TP Colorado Springs, bang Colorado của nghi phạm Matthew Livelsberger, 37 tuổi, trong đêm 1-1. 

Nghi phạm là người lái chiếc Tesla Cybertruck phát nổ bên ngoài khách sạn Trump International Hotel ở Las Vegas, bang Nevada, khiến bản thân y tử vong và 7 người khác bị thương.

Theo nguồn tin của kênh truyền hình Denver7, Livelsberger từng đóng quân cùng căn cứ với Shamsud Din Jabbar - nghi phạm 42 tuổi đã đâm xe ở TP New Orleans, bang Louisiana. Ngoài ra, xe mà 2 nghi phạm sử dụng khi tấn công đều được thuê thông qua ứng dụng Turo và đều là xe điện.

Vụ nổ xe ở Las Vegas gây ra nhiều lo sợ tại Mỹ. Ảnh: KNTV

Vụ nổ xe ở Las Vegas gây ra nhiều lo sợ tại Mỹ. Ảnh: KNTV

FBI xác định Shamsud Din Jabbar là công dân Mỹ sinh tại Texas và đã cải sang đạo Hồi. Sau khi đâm xe vào đám đông gần giao lộ Canal và Bourbon, nghi phạm xuống xe rồi xả súng trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Tổng cộng, 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công này. Trong xe nghi phạm và khu dân cư gần đó còn nhiều thiết bị nổ chưa kích hoạt, ngoài ra còn có một lá cờ dường như của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

"Chúng tôi tin rằng Jabbar không ra tay một mình. Chúng tôi đang tích cực điều tra mọi đầu mối" - trợ lý đặc vụ FBI Alethea Duncan nói với các phóng viên. Đài CNN dẫn lời các quan chức tiết lộ nghi phạm Jabbar đã ghi lại các video, trong đó hắn nhắc đến "giấc mơ gia nhập IS".

Hai vụ tấn công liên tiếp đã thổi bùng nhiều lo ngại về an ninh quốc gia và khủng bố tại Mỹ, khi mà chỉ còn vài tuần là ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai - theo hãng tin Bloomberg.

Mối lo ngại về IS đã nhen nhóm trở lại sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lực lượng nổi dậy lật đổ vào đầu tháng trước.

Vụ đâm xe ở New Orleans. Ảnh: REDDIT

Vụ đâm xe ở New Orleans. Ảnh: REDDIT

Thực lực của IS hiện nay đã đi xuống rất nhiều so với năm 2017, thời điểm ông Trump bước vào Nhà Trắng lần đầu. Đó là năm IS hoành hành đỉnh điểm, kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Syria, Iraq và tiến hành hàng loạt vụ khủng bố lớn nhằm vào phương Tây.

Ông Trump khi ấy chủ trương đối đầu trực diện với IS và chiến lược này đã thành công. Trong nhiệm kỳ của ông, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đánh tan "vương quốc" của IS vào năm 2019. Tháng 10 cùng năm, đặc nhiệm Mỹ lùng ra và tiêu diệt thủ lĩnh tối cao IS là Abu Bakr al-Baghdadi.

Hiện nay, thanh thế IS không còn như xưa. Reuters dẫn nhận định của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ cho rằng nguy cơ do IS gây ra "đang ở mức thấp" vì tổ chức này đã mất 3 lãnh đạo trụ cột và ít nhất 13 thủ lĩnh chỉ huy ở Iraq và Syria kể từ đầu năm 2022.

Dù vậy, theo Trung tâm Chống khủng bố quốc tế (ICCT) tại Hà Lan, IS vẫn đang hoạt động, đặc biệt là ở châu Phi, và không ngừng chiêu mộ thành viên mới qua mạng. Ông Javed Ali, chuyên gia tại Trường Chính sách công Gerald R Ford thuộc Trường ĐH Michigan, nói với Reuters rằng tấn công bằng xe như ở New Orleans là chiến thuật lâu nay của IS nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và hoảng loạn.

Thêm vào đó, nguy cơ sẽ càng trầm trọng nếu IS hoặc các nhóm khủng bố khác tận dụng được một loạt công nghệ mới nổi, nhất là trí tuệ nhân tạo. 

Một vấn đề nổi cộm khác là hàng ngàn tay súng nước ngoài vẫn đang bị giam giữ ở Đông Bắc Syria, tạo thành lo ngại âm ỉ của các quốc gia là bản quán của những người này. Nếu vấn đề này tiếp tục bị phớt lờ ở cấp độ chính sách, sớm muộn gì các thành viên IS cũng sẽ lại vượt ngục như đã làm ở Hasakah vào năm 2022.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan, ông Trump đã rút bớt quân đội Mỹ tại Syria, tạo điều kiện cho Ankara tấn công Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm người Kurd, vốn là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Nếu ông Trump tiếp tục chủ trương rút hết số binh sĩ Mỹ ở Syria hiện nay, cộng thêm việc quân đội Mỹ hoàn tất rút khoảng 2.500 binh sĩ ở Iraq vào năm 2026 thì IS sẽ càng "dễ thở" ở Trung Đông, từ đó có thể lại vươn vòi ra toàn thế giới. 

Theo Hải Ngọc

Người Lao động

Trở lên trên