MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ: Phương án tài chính thế nào?

Trước việc một số báo phản ánh về hoạt động thu phí và phương án tài chính tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ còn có những thông tin chưa rõ ràng, nhằm làm rõ và giải đáp những thông tin dư luận đang băn khoăn, nhà đầu tư dự án vừa thông cáo báo chí về việc này.

Văn bản gửi cơ quan báo chí do ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC), ký cho biết: MPC công báo với quý báo về nội dung thời gian thu phí tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mà một số cơ quan báo chí đã phản ánh thời gian qua.

Tính toán thời gian thu phí dự án

Cụ thể, về hoạt động thu phí và doanh thu, ông Oánh cho rằng số liệu của một số báo đã đưa tin với tổng doanh thu “trung bình mỗi ngày trạm có tổng thu gần 2 tỷ đồng. Như vậy, trạm BOT Pháp Vân Cầu Giẽ chỉ cần 09 năm thu đủ so với mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, không cần tới 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT ký với Bộ Giao thông Vận tải, khoảng thời gian chênh gần gấp đôi”… 

Về việc này, MPC có ý kiến rõ hơn như sau: Doanh số thu phí của 05 tháng đầu năm 2019 của trạm là hơn 324 tỷ đồng; trong đó doanh số thu phí của tháng cao nhất là hơn 70 tỷ đồng; doanh số thu phí của tháng thấp nhất là hơn 60 tỷ đồng. Từ số thu trên, tính trung bình mỗi tháng trạm thu 64,8 tỷ, mỗi ngày 2,1 tỷ. 

“Việc xác định thời gian thu phí được Bộ GTVT xây dựng theo phương án tài chính và các số liệu thực tế được cập nhật thường xuyên vào phương án như: Tổng mức đầu tư thực hiện; chi phí trả lãi vay ngân hàng năm, chi phí vận hành khai thác; chi phí duy tu bảo trì (Gồm bảo dưỡng thường xuyên, trung tu, đại tu...); thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước; doanh thu thực tế hàng năm”, lãnh đạo MPC thông tin.

Đề cập đến thời gian thu phí trong Phương án tài chính của dự án, ông Oánh thông tin: phương án được tính toán theo nguyên tắc: Lấy nguồn thu từ thu phí trừ đi chi phí trong quá trình vận hành, khai thác. Số tiền còn lại từ thu phí hàng ngày được cân đối là dòng tiền để hoàn vốn hàng năm và khi dòng tiền hàng năm này đủ để hoàn trả hết phần vốn vay (cả tiền gốc và lãi xuất) đối với phần vốn vay Ngân hàng mà Công ty được phép huy động theo quy định, đồng thời trả hết vốn tự có (bao gồm cả số gốc và lợi nhuận trên số vốn góp) của Nhà đầu tư phải huy động theo quy định, sau đó Nhà đầu tư phải hoàn trả lại công trình cho Nhà nước và dừng thu phí.

Một số nội dung trong Phương án tài chính được thể hiện, bao gồm: Nguồn thu là từ doanh thu thu phí trước thuế GTGT (1); Các chi phí trong quá trình vận hành khai thác: Bao gồm chi phí cho bộ máy tổ chức thu phí; chi phí duy tu bảo trì thường xuyên, trung tu, đại tu và một số chi phí khác như thuế thu nhập doanh nghiệp (2); Dòng tiền hoàn trả tổng số vốn đầu tư để hình thành nên công trình là: Lấy Nguồn thu (1) - Các khoản chi (2) (3); Thời gian hoàn vốn (T) được tính toán là cân đối dòng tiền hàng năm để hoàn vốn đầu tư đã bỏ ra cho đến khi dự án không còn dự nợ cuối kỳ (4).

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ: Phương án tài chính thế nào? - Ảnh 1.

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang có số thu 2,1 tỷ đồng/ngày

Từ mức thu của dự án thời gian qua, vào ngày 12/10/2017, Bộ GTVT đã thống nhất với Công ty về thời gian dự kiến thu phí còn 15 năm 6 tháng thay vì 17 năm 3 tháng như phương án ban đầu (giảm 1 năm 8 tháng). Thời gian thu phí thực tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh căn cứ vào lưu lượng và doanh thu thực tế.

Về cách tính thời gian thu phí, đại diện MPC cho rằng, hiện nay, muốn tính chính xác hơn phải dựa theo phương án tài chính. Ví dụ cách tính đơn giản như sau, với mức doanh số thu phí trung bình dự kiến trong năm 2025 của một công ty BOT là 1.124,6 tỷ đồng, trung bình tháng là 93,7 tỷ đồng/ tháng, trung bình ngày là 3,1 tỷ/ ngày; tổng mức đầu tư của dự án là 6.731 tỷ đồng; vốn của các nhà đầu tư là 823 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng là 5.908 tỷ đồng. Từ doanh số thu phí trung bình 1 năm cách tính sẽ là:

+ Chi phí trả lãi vay ngân hàng (vốn vay ban đầu là 5.908 tỷ đồng và được giảm dần theo hàng năm): 342 tỷ đồng.

+ Dự kiến chi phí vận hành, duy tu bảo trì (Thường xuyên, trung tu, đại tu) trung bình: 185,6 tỷ đồng (4 năm trung tu 01 lần; 10 năm đại tu 01 lần).

+ Chi nộp thuế VAT: 102,2 tỷ đồng.

+ Chi trả lợi nhuận cho nhà đầu tư: 63,2 tỷ đồng (Vốn chủ sở hữu là 823 tỷ).

+ Dòng tiền còn lại để hoàn vốn đầu tư ban đầu (6.731tỷ đồng) trung bình 1 năm là 431,6 tỷ đồng với tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng, thời gian thu phí tính toán theo cách đơn giản là 15 năm 7 tháng với điều kiện doanh thu bình quân 01 ngày phải đạt 3,1 tỷ đồng/ngày cho cả đời dự án.

Sao lưu dữ liệu và thu phí không dừng tất cả các làn

Về nội dung thực hiện thu phí không dừng, đại diện MPC cho biết, ngày 13/12/2018, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2666/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở bổ sung hạng mục thu phí điện tử không dừng. “Hiện nay, chúng tôi đã tích cực triển khai trên tất cả các làn thu phí đều thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng và đảm bảo tiến độ thực hiện xong trong quí III năm 2019, xong trước so với yêu cầu tối thiểu 03 tháng”, đại diện MPC thông tin.

Với công tác sao lưu dữ liệu, lãnh đạo MPC cho hay: Trên cơ sở của Thông tư 49 có hiệu lực từ ngày 01/3/2017, đơn vị đã khẩn trương thực hiện lập phương án và ngay từ ngày 12/7/2017,  Công ty đã có văn bản số 685/PVCG-KT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất chấp thuận phương án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ sao lưu dữ liệu theo Thông tư 49.

Tiếp đó đơn vị đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị chấp thuận phương án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ sao lưu dữ liệu theo Thông tư 49; ký phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐ-51/HĐ.BOT-BGTVT của hợp đồng số 51/HĐ.BOT-BGTVT; triển khai theo văn bản số 8175/TCĐBVN-KHCN, MT&HTQT ngày 03/12/2018 của Tổng cục ĐBVN về “Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ lưu trữ dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ”. “Đến ngày 30/5/2019, Công ty đã thực hiện xong công tác nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ lưu trữ dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, xong trước ngày Tổng cục Đường bộ yêu cầu là ngày 10/6/2019”, lãnh đạo MPC thông tin.

Đánh giá về các nội dung công việc trên, lãnh đạo MPC cho rằng, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thực hiện đúng và nghiêm túc Quyết định số 07/2017/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 49/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT, chủ động tích cực triển khai thực hiện công việc đảm bảo đúng tiến độ của Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu, và có lẽ là đơn vị sớm nhất hoàn thành công tác lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng trên tất cả các làn thu phí.

Về công tác thu phí lãnh đạo MPC cũng khẳng định: “Việc thu phí hiện nay là hoàn toàn công khai, minh bạch, có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài ra còn có sự giám sát chéo của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để quản lý doanh thu, do Hai bên đang thực hiện công tác thu phí liên thông. Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí đầu ra cho (VEC) và ngược lại. Hai bên kiểm tra đối soát hàng ca và được quyết toán ngay trong ngày”.

Cũng với đó, MPC cũng nêu ra một số trở ngại, khó khăn, như hiện nay công tác quản lý thu phí của các Công ty BOT nói chung và với Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn và áp lực. “Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành công việc một cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của xã hội và mong muốn nhận được sự đồng cảm chia sẻ của các cơ quan truyền thông và Quý báo để đảm bảo sự đồng thuận và hạn chế sự hiểu chưa đúng trong xã hội, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm đang được cả xã hội quan tâm”, ông Oánh nêu trong thông cáo.

Ngày 27/6/2019, Báo Tiền Phong có đăng bài “Ðề xuất tăng phí để “cứu” 37 dự án BOT: Mù mờ phương án tài chính”. Trong các dự án được phản ánh có dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC). Ðể làm rõ tại dự án mình có “mù mờ” phương án tài chính hay không, cùng với lý giải một số thông tin có liên quan với phóng viên, ngày 27/6, lãnh đạo Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (nhà đầu tư dự án) đã có thông cáo báo chí do ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc MPC ký gửi báo Tiền Phong giải đáp thêm việc này.

Theo Nhóm PV

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên