Brexit - Phần nổi của tảng băng chìm
Sau hơn 60 năm hội nhập, các quốc gia thành viên vẫn tỏ ra bướng bỉnh và gần như không chịu dịch chuyển. Brexit chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây mới là gốc rễ khiến châu Âu không sớm thì muộn cũng sẽ tan rã.
- 27-06-2016EU - Từ chiến tranh đẫm máu đến hình mẫu của hòa bình và thịnh vượng
- 26-06-20164 cách để nước Anh ở lại EU
- 25-06-2016Anh rời EU, điều gì sẽ xảy ra trong 100 ngày tới?
Viết về trật tự thế giới, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã chỉ ra rằng một hệ thống địa chính trị rất dễ bị suy yếu trong quá trình chuyển giao quyền lực hoặc không còn duy trì được tính chính thống. Liên Xô tan rã khi sức mạnh của Nga suy yếu, trong khi triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) sụp đổ khi không còn giành được sự ủng hộ của dân chúng.
Ở châu Âu, quyền lực ngày càng tập trung nhiều hơn vào tay người Đức, đặc biệt là sau khi đồng euro ra đời. Khi hệ thống đứng sau đồng euro cần ai đó ký 1 tấm séc, chiếc bút đã được chuyển đến tay bà Angela Merkel. Đức là nền kinh tế hùng mạnh nhất và chống đỡ với khủng hoảng tốt nhất
Ông tổ của EU là Jean Monet từng nói rằng 6 nước sáng lập đã khởi xướng cho một giai đoạn cải cách liên tiếp giúp định hình thế giới trong tương lai. Tầm nhìn của ông rất rộng, nhưng tiếc là đã không trở thành hiện thực. Là một liên minh nhưng EU thiếu đi những "công dân châu Âu" để có thể nhận được sự ủng hộ của quần chúng và có thể thực hiện những cải cách cần thiết.
Bên bữa trưa trong một nhà hàng ở Alsace, Andre Klein tuyên bố rằng chủ nghĩa dân tộc chính là một căn bệnh và châu Âu là liều thuốc duy nhất có thể chữa khỏi căn bệnh ấy. Khoác trên mình chiếc áo dạ cổ tròn, ông là người sinh ra ở Colmar – nơi có những con đường đầy sỏi nằm giữa những ngôi nhà nửa gạch nửa gỗ.
Khi ông chào đời năm 1938, Colmar thuộc về nước Pháp và ngày nay vẫn vậy. Tuy nhiên, xen giữa là khoảng thời gian mà Colmar thuộc về nước Đức. Ông theo học tại ENA – ngôi trường đã sản sinh ra nhiều chính trị gia và quan chức nổi tiếng của Pháp.
Klein tự nhận mình là một “công dân châu Âu” kiểu mẫu. “Tôi là công dân châu Âu chứ không phải là công dân Pháp đơn thuần. Mọi người ở đây đều nhận thức sâu sắc rằng đoàn kết và cần thiết để duy trì hòa bình. Từ bao đời nay các nước châu Âu đã có quá nhiều mâu thuẫn”, ông nói.
Nằm giữa biên giới Đức và Pháp, Colmar chứng kiến quá nhiều sự đổi thay và họ ý thức hơn ai hết về những lợi ích mà hòa bình đem lại. Giờ đây vùng này nằm giữa lòng châu Âu và biên giới gần như không còn tồn tại. Cách đó không xa là EuroAirport – sân bay phục vụ cả 3 nước Pháp, Thụy Sĩ và Đức. Gần đây người dân ở cả hai bên bờ sông Rhine (con sông ngăn cách hai quốc gia) cùng ra đường biểu tình chống lại kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân ở gần đó.
Tuy nhiên người Anh đã không nghĩ như Klein và trên khắp "lục địa già" cũng vậy. Họ chọn con đường ra đi vì cảm thấy quá bức bối với hiện tại.
Hơn nữa Brexit không phải là vấn đề lớn nhất của EU. Dù người Anh chọn ra đi hay ở lại, liên minh này vẫn phải giải quyết vấn đề người nhập cư và sức mạnh của đồng euro – những vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Thêm vào đó châu Âu còn bị cản bước bởi hiện trạng kinh tế trì trệ. Thất nghiệp sẽ tiếp tục nuôi dưỡng sự bất mãn. Phía trước là cuộc chiến giữa nước con nợ và nước chủ nợ về các biện pháp thắt lưng buộc bụng, về giảm nợ và về NHTW châu Âu ECB. Trong bối cảnh ấy người dân châu Âu chẳng thiết tha gì với việc chào đón dân nhập cư.
Bạn sẽ phải thất vọng nếu kỳ vọng rằng châu Âu có thể giải quyết vấn đề bằng cách hợp tác với nhau vì tìm được tiếng nói chung là rất khó. Khi đối mặt với lựa chọn, lãnh đạo các nước thường đưa ra một cam kết giúp họ có thể sống sót đến cuộc khủng hoảng tiếp theo. Giống như thường lệ, Pháp và Đức sẽ đóng góp phần nhiều hơn trong việc quyết định các vấn đề to tát. Pháp gia nhập EU không phải với tư cách một nước lớn, nhưng vị thế đồng minh với Đức đã biến Pháp thành người khổng lồ.
Về vai trò của người Đức, nước này đã trở nên quá lớn để sánh ngang với những nước còn lại nhưng lại quá nhỏ để một mình gánh trọng trách. Đây cũng chính là câu hỏi dành cho người Đức. Nếu giảm nợ là cái giá phải trả để giữ lại liên minh, liệu người Đức có sẵn sàng hi sinh? Hay nếu muốn một mình một đường, nước Đức sẽ ra sao?
Nếu đi tàu từ Warsaw, xuyên qua những cánh rừng thông và hồ nước để tới biên giới giữa Ba Lan và Belarus, bạn sẽ đặt chân đến Krasnogruda. Đây từng là nơi sinh sống của nhà thơ Czeslaw Milosz còn hiện tại đây là nơi đặt trụ sở của một viện nghiên cứu chuyên đóng vai trò là cầu nối giữa các nước châu Âu.
Giám đốc viện này là Krzysztof Czyzewski tự gọi mình là “người đi xây cầu”. Công việc của ông là mang mọi người đến gần nhau hơn. Ông cho rằng thiếu an toàn sẽ khiến mọi người tiến gần hơn đến chủ nghĩa dân tộc. Sau hơn 60 năm hội nhập, các quốc gia thành viên vẫn tỏ ra bướng bỉnh và gần như không chịu dịch chuyển. Brexit chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây mới là gốc rễ khiến châu Âu không sớm thì muộn cũng sẽ tan rã.